Trong thiên tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung có rất nhiều định nghĩa về anh hùng, nhưng khó có đoạn nào miêu tả xuất sắc như tình huống “uống rượu luận anh hùng” giữa Tào Tháo và Lưu Bị.
Đó là một “ván cờ cân não” mà mỗi bước đi của hai cao thủ Lưu Bị và Tào Tháo đều đầy mưu chước hung hiểm.
Bối cảnh của ván cờ này là Lưu Bị lúc đó đang thân cô, thế cô, bị thất thế nên buộc phải nương nhờ trong quân doanh Tào Tháo. Sau nhiều chiến dịch cộng tác thành công mà đặc biệt là việc đánh bại Lữ Bố, nhiều mưu sĩ của Tào Tháo đã khuyên nên giết ngay Lưu Bị để diệt trừ hậu họa.
Lúc này, khi Lưu Bị đang tưới rau trong vườn thì Hứa Chử, Trương Lưu mời đến phủ Thừa tướng. Tới nơi mới biết Tào Tháo đã chuẩn bị sẵn tiệc rượu cho hai người với cái cớ “thưởng mai”.
Lưu bị luận anh hùng cùng Tào Tháo.
Khi rượu tới lưng chừng, mây đen chợt kéo tới, mưa thi nhau trút xuống. Bấy giờ, có người hầu bên cạnh chỉ lên trời mà nói: “Có rồng lấy nước!”.
Tào Tháo cùng Lưu Bị tựa vào lan can nhìn lên trời. Tháo nói: “Sứ quân có biết phép biến hóa của rồng không?”.
Lưu Bị đáp: “Thần không biết rõ!”.
Tháo giải thích: “Rồng có thể biến lớn, có thể hóa nhỏ, lúc thì bay cao, lúc thì ẩn nấp. Khi biến lớn thì đạp mây, nhả sương. Lúc hóa nhỏ thì thu mình ẩn tích.
Khi bay cao thì lượn khắp vũ trụ. Lúc tạm ẩn thì nấp trong sóng lớn. Huyền Đức từng đi khắp bốn phương, tất biết rõ anh hùng thời này, mời thử nói xem!”.
Lưu Bị nói: “Bị này mắt thịt, sao nhận biết được anh hùng?”.
Tháo đáp: “Chớ có khiêm tốn!”.
Lưu Bị lại thưa: “Bị bất tài, học ít, nay nhờ ơn Thừa tướng mới được vào triều làm quan, quả thực không biết ai là anh hùng trong thiên hạ…”.
Tháo nói tiếp: “Dù không biết mặt, ắt cũng nghe qua kỳ danh”.
Có ý kiến cho rằng, buổi “uống rượu luận anh hùng” này thực chất là một trận đấu trí giữa hai nhân vật Tào - Lưu.
Tới lúc này, Lưu Bị mới đưa ra ý kiến: “Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương đủ đầy, có thể coi là anh hùng chăng?”.
Tào Tháo cười: “Chẳng qua chỉ là xương khô trong mả, sớm muộn cũng bị ta bắt sống”.
Lưu Bị hỏi tiếp: “Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm đến Tam công, quan lại tay chân cùng môn hạ khắp nơi, nay lại hùng cứ ở đất Ký Châu, có vô số thuộc hạ tài năng, liệu có thể coi là anh hùng không?”.
Tháo lại cười nói: “Viên Thiệu mặt béo mà gan non, háo mưu mà vô đoán, làm việc lớn thì tiếc thân, thấy lợi nhỏ thì quên cả mạng, nào phải anh hùng”.
Lưu Bị nói: “Có một người nổi tiếng là ‘tám tay tài tuấn’, uy trấn chín châu, Lưu Cảnh Thăng, có coi là anh hùng được không?”.
Tháo nói: “Lưu Biểu này hữu danh vô thực, cũng chẳng phải bậc anh hùng”.
Lưu Bị hỏi: “Có một người đang độ huyết khí hăng hái, làm lãnh tụ Giang Đông: Tôn Bá Phù có đáng mặt anh hùng hay chưa?”.
Tháo nói: “Tôn Sách cậy danh cha, cũng chưa xứng làm anh hùng”.
Lưu Bị lại hỏi: “Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu thì sao?”.
Tào Tháo cười đáp: “Lưu Chương tuy thuộc hàng tôn thất, nhưng chỉ là chó giữ nhà, cớ gì coi là anh hùng?”.
Tới lúc này, Lưu Bị liền kể ra một loạt tên tuổi: “Như Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại thì sao?”.
Tháo vỗ tay cười lớn: “Cái lũ tiểu nhân lúc nhúc ấy, đếm xỉa đến làm gì!”.
Lưu Bị đành nói: “Ngoại trừ những người này ra, Bị quả thực không biết”.
Những tên tuổi được Lưu Bị xem như “anh hùng” đều bị Tào Tháo thẳng tay gạt bỏ.
Nói đến đây, Tào Tháo từ tốn giải thích: “Người là anh hùng, lòng ôm chí lớn, bụng có mưu cao, vừa có tài bao tàng cả vũ trụ trong lòng, lại có chí lớn tới nuốt cả thiên địa, đấy mới đáng!”.
Nghe vậy, Lưu Bị tỏ vẻ băn khoăn: “Vậy ai mới có thể đáng mặt anh hùng đây?”.
Nào ngờ Tháo chỉ tay mặt Lưu Bị, sau đó lại chỉ vào chính mình mà nói: “Anh hùng trong thiên hạ thời này, duy chỉ có sứ quân cùng Tháo đây mà thôi!”.
Lưu Bị nghe thấy lời này thì nhất thời kinh hãi, bất giác đánh rơi cả đôi đũa trong tay xuống đất. May thay lúc đó bất ngờ có tiếng sấm nổ vang trời.
Nhân cơ hội ấy, Lưu Bị giả bộ ung dung, cúi xuống nhặt đũa mà nói:
“Oai trời quả thực chấn động, vừa nghe một tiếng đã đến nỗi này!”.
Tháo cười: “Bậc trượng phu mà cũng sợ sấm sét hay sao?”.
Lưu Bị đáp: “Đến Thánh nhân xưa kia nghe tiếng sấm còn biến sắc, sao có thể không sợ?”.
Nhờ vài câu ấy, Lưu Bị đã cẩn thận che giấu hành động thất thố vừa rồi. Tào Tháo cũng không lấy làm nghi ngờ.
Nhờ vào một tiếng sấm, Lưu Bị đã nhanh chóng che giấu hành động thất thố của mình để tránh sự nghi ngờ từ Tào Tháo.
Cũng trong bữa rượu hôm ấy, tiểu đình sau vườn của Tào Tháo xuất hiện thêm hai người, tay lăm lăm bảo kiếm, đột ngột đi tới, không ai cản được.
Tháo ra nhìn xem ai, hóa ra là hai huynh đệ Trương - Quan. Thì ra hai người ra ngoài thành bắn tên mới trở về, nghe tin huynh trưởng bị Hứa Chử, Trương Liêu đưa đi liền vội vã tới phủ Thừa tướng.
Sau khi tiệc tàn, Lưu Bị cùng Quan Vũ, Trương Phi từ phủ Tào Tháo trở về. Lưu Bị kể lại chuyện đánh rơi đũa cho Quan Vũ, Trương Phi nghe.
Lúc đầu hai người đều không hiểu huynh trưởng có ý gì. Lưu Bị giải thích:
“Huynh học làm vườn là muốn khiến cho Tháo nghĩ mình không có chí lớn. Nay Tháo lại vô tình chỉ mặt nói ta là anh hùng, ta sợ tới mức đánh rơi đũa, nhưng lại lo Tháo sinh nghi, bèn mượn tiếng sấm để che giấu”.
Quan Vũ, Trương Phi nghe xong không khỏi thán phục mà khen rằng: “Huynh trưởng thật cao tay!”.
Thiết nghĩ, nếu trong buổi tiệc “uống rượu luận anh hùng” hôm ấy, Lưu Bị để lộ hành vi thất thố khiến Tào Tháo sinh nghi, chỉ e rằng ba huynh đệ Lưu - Quan - Trương đã bị kẻ đa nghi như Tháo tiêu diệt từ trong trứng nước.
Một khi sự việc diễn ra theo chiều hướng như vậy, thế chân vạc khó có thể hình thành, lịch sử Tam Quốc có lẽ cũng sẽ diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác.
Cho nên, buổi tiệc rượu đấu trí giữa Tào Tháo và Lưu Bị lần ấy không chỉ giữ lại cho vị quân chủ họ Lưu một mạng, mà còn để lại con đường cho tập đoàn chính trị Thục Hán phát triển về sau này.
Sau này, khi nhắc về buổi “uống rượu luận anh hùng” ngày ấy, có người từng dùng bốn câu thơ để khen ngợi Huyền Đức:
“Gượng vào hang cọp tạm nương thân
Lộ mặt anh hùng, đũa rớt lăn!
Vội vã bày ra trò sợ sấm
Tùy cơ ứng biến lẹ như thần”.
Quốc Tiệp (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.