Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm 2015, rời quê nhà ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá), anh Trương Văn Sử đưa con trai Trương Quang Bình lên Hà Nội để chạy thận.
Anh Trương Văn Sử cùng con trải qua hành trình hơn 9 năm "chiến đấu" với bệnh tật. Clip: Đức Minh
Suốt hơn 9 năm qua, những gì có thể làm được anh Sử đều cố gắng hết sức để có đồng ra đồng vào, chạy chữa, duy trì sự sống cho cậu con trai Trương Quang Bình (sinh năm 2008).
Theo chân anh Sử lên tầng 4 nhà số 46, ngõ 59 Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội), anh chia sẻ hai bố con đã thuê ở đây hơn một năm, kể từ khi cháu Trương Quang Bình chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương tới chạy thận, lọc máu ở một bệnh viện ở quận Nam Từ Liêm, cách điểm thuê trọ 9-10km.
Nói về bệnh tình của con, anh Sử nhớ lại: "Tháng 9/2015, khi cháu Bình học lớp 2 thì phát hiện bị suy thận. Tôi đưa con vào bệnh viện ở quê nhà Thanh Hóa điều trị trong khoảng hơn một tháng nhưng không ổn và được giới thiệu ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Thời gian đầu điều trị rất khó khăn khi bác sĩ áp dụng rất nhiều phác đồ cứu con nhưng không đáp ứng. Vì con đã bị suy thận độ 5, giai đoạn cuối. May là trời thương, về sau con lại đáp ứng thuốc nên mới có được đến bây giờ".
Trong suốt hành trình chạy chữa cho con, khó khăn lớn nhất là dù có sức khỏe nhưng anh Sử không thể tìm được một công việc mong muốn.
"Một tuần lịch lọc máu, chạy thận của con là 3 buổi vào thứ 2, 4, 6. Thời gian nghỉ giữa các ngày đó, để kiếm công việc ổn định rất khó bởi người ta thuê mình cả tháng chứ ai lại thuê mình kiểu buổi làm buổi nghỉ như vậy. Trong khi đó, mỗi tháng 2 bố con chi phí thuốc thang, thuê nhà... đã tốn đến 5 triệu đồng.
Tôi cũng sẵn sàng đi xe ôm, trông xe cho người ta. Nhưng chỉ sợ bỗng nhiên con mình mệt, làm sao bỏ con đấy được mà tập trung vào công việc.
Vậy nên thu nhập chính của tôi chỉ từ việc bán phế liệu, gom từng bìa carton, chai lọ được các nhà hàng cho. Mỗi tháng bố con tôi cũng được trên dưới 1 triệu đồng. Cùng với đó, những năm qua, mọi người đồng cảm với gia cảnh bố con tôi nên giúp đỡ, cho quà nên bố con tôi cũng có thêm chút để sống qua ngày".
Theo dòng tâm sự, anh Sự kể nhờ những bữa cơm từ thiện đã giúp bố con anh có thêm động lực vượt qua những ngày tháng bĩ cực nhất:
"Tôi vẫn nhớ thời điểm năm 2016, sau khi tôi mua khoảng 2 triệu đồng tiền thuốc cho con, tôi chỉ còn 20 nghìn đồng mua suất cơm cho con ăn và 1 gói mì tôi ăn lại phần thừa cháu ăn không hết.
Tối đến, tôi mua gói mì tôm, nấu 3 phần mì, 7 phần nước để uống cho no, nghĩ lại mà rớt nước mắt.
Ngày ấy, cơm cháo từ thiện không nhiều như bây giờ. Tôi nhớ ở cổng viện có 3 xe bán tải của nhà chùa chở các thùng cơm, cháo mang tới. Bệnh nhân cứ xếp hàng dài, cầm bát nhựa, cặp lồng xin đồ ăn.
Lâu lâu có thêm được quả cam, quả chuối. Sau những gì trải qua, tôi vô cùng quý trọng hộp cơm từ thiện.
Bây giờ tôi tham gia rất nhiều nhóm từ thiện, làm mọi việc từ nấu ăn, rửa bát, hỗ trợ họ phát phiếu, phát cơm và cũng xin cơm về cho bố con cùng ăn qua ngày".
"Vì là đàn ông nên tôi không thể òa khóc trước mặt con. Nhiều đêm thương con tôi không dám ngủ. Tôi cứ nằm cạnh, đặt tay lên tim, lấy hai ngón tay đặt lên mũi con theo dõi tình trạng con ra sao. Chỉ sợ lỡ mình chợp mắt một chút, chuyện gì không may sẽ đến với con", anh Sử nhớ lại những ngày sống trong thấp thỏm cùng cháu Bình đi qua cơn nguy kịch, sau một lần bị áp-xe vỡ cầu tay chạy thận bên tay trái và may mắn được các bác sĩ phẫu thuật gấp ngay trong đêm để cứu sống.
Ngồi bên cạnh bố và hiểu rất rõ về căn bệnh của mình, cháu Trương Quang Bình nói: "Hồi nhỏ khi mới phát hiện bị bệnh, con ở quê, chưa bao giờ đi viện nên cũng sợ, không biết bác sĩ sẽ làm gì cho mình, nhưng sau này cũng quen.
Chỉ có năm 2021 khi con bị vỡ cầu tay chạy thận, mất máu nhiều quá, con sợ mình không qua được. Bây giờ con chỉ còn một cầu tay chạy thận là tay phải để duy trì sự sống. Mỗi khi nghĩ tới chuyện mình không may, bố mẹ già đi, con không báo đáp được, con buồn lắm".
Cách trò chuyện của Bình khiến cho người nghe ngỡ rằng đó là tâm sự một người lớn trưởng thành, chứ không phải một cậu bé 16 tuổi, chỉ cao hơn 1,50m, nặng 34kg do phải "chiến đấu" với bệnh tật.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Bình tỏ ra lạc quan: "Trước đây khi bị bệnh, mặt con bị phù, nhiều người trêu, con buồn lắm. Học được vài ngày năm lớp 4 con phải nghỉ học, tập trung hoàn toàn điều trị bệnh. Ban đầu, con nghĩ mình sẽ khỏi bệnh nhanh thôi và được đi học lại. Biết đâu bệnh lại nặng thế, không được đi học con rất tiếc.
Giờ đây, con chỉ ước mình khỏi bệnh để được đi học trở lại. Con sẵn sàng học lại cùng các em nhỏ lớp 3, chậm hơn các bạn một chút thôi, rồi sau này con cũng học lớp 12, thi đại học, ra trường kiếm được một công việc mình thích để lo cho bố mẹ".
Lắng nghe ước mơ giản dị của cháu Bình, tôi nhói lòng khi anh Sử kể câu chuyện về việc mẹ cháu đi xuất khẩu lao động từ khi cháu và chị gái (sinh năm 2004) còn nhỏ và mười mấy năm nay không trở về thăm con.
"Tôi chỉ mong muốn mẹ của cháu nếu thật sự nhớ đến con, vì con thì nên quay về, dành tình cảm yêu thương cho con.
Cùng với đó, tôi cũng mong những người may mắn hơn những hoàn cảnh tương tự như bố con tôi hãy mở rộng vòng tay, giúp cho các hoàn cảnh khó khăn để họ vơi đi phần nào nỗi đau.
Rơi vào cảnh con cái ốm đau, phải xa nhà đi viện như này cuộc sống của chúng tôi thua thiệt, lương tâm khổ sở lắm!", anh Sử trải lòng.
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Sử, ông Nguyễn Văn Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) xác nhận: "Gia đình anh Trương Văn Sử thuộc hộ nghèo của thôn Hòa Phú của xã Hòa Lộc. Hoàn cảnh của gia đình anh Sử rất khổ, nhà cửa tuềnh toàng, xuống cấp dột nát.
Anh Sử phải đưa con lên Hà Nội chạy thận từ khi cháu học lớp 2, vợ đi xuất khẩu lao động bặt vô âm tín suốt hơn chục năm qua. Bố con anh Sử phải ở Hà Nội quanh năm để chữa trị bệnh cho cháu, lâu lâu mới về quê một lần. Tại địa phương, mỗi khi có chương trình chúng tôi đều ưu tiên cho bố con anh Sử. Xã cũng đã đưa gia cảnh vào diện làm nhà cho hộ khó khăn, được hỗ trợ 80 triệu đồng nhưng anh Sử cũng không thể xoay xở thêm khoảng 50 triệu để xây lại nhà. Tôi cũng mong rằng các mạnh thường quân có thể hỗ trợ cho gia đình anh Sử vượt qua khó khăn".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Anh Trương Văn Sử. Điện thoại: 0326295276.
Số tài khoản: 1305205360212 - Ngân hàng Agribank – Chủ tài khoản: Trương Văn Sử
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Vui lòng ghi rõ: [SĐT người ủng hộ] Ủng hộ MS 81124
Số tiền bạn đọc ủng hộ sẽ được chuyển khoản đến gia đình anh Sử từ ngày 1-10 tháng 12 năm 2024
Vui lòng nhập nội dung bình luận.