|
Bà Trương Thị Bích . |
Trước đây, dân làng cảm thương tôi bất hạnh vì phải chung chồng, giờ có người bảo số tôi may, bởi nếu không có bà ấy thì lấy ai mà chia buồn, sẻ khổ...
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 9 anh chị em. Tôi lớn lên trong thiếu thốn và gật đầu về làm vợ người chưa hề biết mặt vào năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi. Bén hơi nhau chưa được 1 tuần, ông ấy lên đường vào Nam chiến đấu, đến năm 1972 mới về.
Cuối năm ấy, tôi điếng người khi sinh đứa con đầu lòng: Nó quắt queo, yếu ớt như con mèo hen, cổ ngoẹo sang một bên, chân tay run lẩy bẩy. Rồi đứa thứ hai, thứ ba sinh ra cũng chẳng "vẹn người". Đau đớn đến tột cùng, tôi héo hon, tàn tạ vì những lời dè bỉu, bàn tán không chỉ của người xung quanh mà cả trong gia đình. Đi khám khắp nơi, người ta bảo tôi chẳng bị làm sao, chỉ ông ấy mang di chứng chất độc da cam.
Chữa chạy cho các con không được, sau bao đêm trăn trở, cực chẳng đã tôi ôm đứa con út còn ẵm ngửa, gạt nước mắt khuyên chồng đi tìm người khác, biết đâu có "phép lạ". Thấy ông ấy còn lưỡng lự, ngẫm mình là phụ nữ, có ai muốn cưa đôi tình cảm cho người khác, nhưng vì hoàn cảnh, tôi nuốt nước mắt để đi hỏi vợ hai cho chồng.
Bà ấy cũng lỡ thì vì chiến tranh, cảm thương cho hoàn cảnh gia đình tôi nên đã đồng ý. Đám cưới ấy vào khoảng năm 1986, tự tay tôi chuẩn bị trầu cau, lễ lạt đầy đủ. Hôm đón dâu, ông ấy một mực không đi, cứ nằm ôm con khóc trong nhà, tôi phải sang đón bà ấy về.
Có bà hai, những đêm phải nằm một mình, tôi ôm con khóc vừa tủi phận mình, vừa lo lắng cầu mong để những nỗi đau tột cùng số phận không bao giờ trở lại căn nhà vốn dĩ đã quá xác xơ. Thật kỳ diệu, trời đã thương chúng tôi, cả ba đứa con của bà hai sinh ra đều lành lặn, khỏe mạnh...
Từ ngày có thêm bà hai cho đến khi ông ấy, rồi đứa con lớn của tôi qua đời, trong căn nhà thưa vách liếp này chưa bao giờ có một tiếng cãi vã giữa tôi và bà ấy. Cùng là phận đàn bà, chúng tôi hiểu được những nỗi đau khổ, mất mát và thiệt thòi của nhau để dựa vào nhau mà sống, mà nuôi dạy mấy đứa con cả lành lặn và không lành lặn.
Giờ đây, chúng tôi đều đã bước sang tuổi 65, tôi thì đau yếu, bệnh tật lưng còng nhưng ngày ngày vẫn phải chăm lo thay giặt cho hai đứa con tàn tật, còn bà ấy vẫn phải nhọc nhằn quang gánh cấy hái 8 sào ruộng để nuôi 7 miệng ăn. Ba người con của chồng tôi với bà ấy, cháu lớn đã có việc làm, hai cháu nhỏ vẫn đang đi học, đều hiếu thảo và rất thương hai mẹ, những lúc rảnh rỗi vẫn phụ mẹ chăm sóc hai anh chị thiệt thòi.
Nếu hỏi mơ ước điều gì, thì chỉ mong sao trời thương cho tôi và bà ấy thêm sức khỏe để được chứng kiến sự trưởng thành của các con, để chăm sóc hai cháu tật nguyền và để có người bầu bạn cùng đi nốt chặng đường đời còn khó khăn phía trước. Nhiều lúc, tôi tự lẩn thẩn hỏi rằng: Nếu ngày ấy, tôi ích kỷ, không chịu "cưa" đôi hạnh phúc, không cưới bà ấy về cho chồng thì giờ đây mẹ con tôi sẽ như thế nào?
Bà Trương Thị Bích (thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Minh Thành (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.