Tại Svay Pak, nơi nổi tiếng với các hoạt động thương mại tình dục trẻ em ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, nữ diễn viên nổi tiếng từng giành giải Oscar Mira Sorvino - hiện là Đại sứ thiện chí chống nạn buôn bán người của Liên Hợp Quốc tại Campuchia gặp Kieu, người vừa được giải cứu khỏi nạn buôn bán tình dục trẻ em.
Kieu, hiện 14 tuổi, được Agape International Missions (AIM) - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ, hỗ trợ, giải cứu trẻ em, thanh thiếu niên khỏi nạn buôn người.
Tại đây, Kieu đã chia sẻ về cuộc đời buồn của em, đặc biệt là thời điểm em bị chính mẹ mình bán trinh tiết năm 12 tuổi.
Cô bé Campuchia Kieu xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Mỗi ngày ở Campuchia”. Ảnh cắt từ video được hãng tin CNN đăng tải.
Kieu cho hay, khi được mẹ yêu cầu đi làm để đỡ đần gia đình, em không ngần ngại đồng ý ngay bởi 12 tuổi, em đã ý thức được gia đình mình rất túng quẫn và rất thương mẹ.
Mẹ Kieu không nói em sẽ làm công việc gì. Bà chỉ đưa em đến bệnh viện khám trinh. Tại đây, sau khi làm các thủ tục xét nghiệm cần thiết, vị bác sĩ cấp cho em một "giấy chứng nhận trinh tiết".
Tiếp đó, Kieu được đưa tới một khách sạn. Tại đây, mẹ em đã bán trinh tiết của em cho một người đàn ông Khmer "có lẽ hơn 50 tuổi" và đã có 3 con. Cô bé mới 12 tuổi bị giữ trong phòng khách sạn suốt 3 ngày và bị một nhóm từ 3 đến 6 người đàn ông cưỡng hiếp mỗi ngày. Kieu nghẹn ngào, đây là 3 ngày địa ngục, sẽ ám ảnh em suốt cuộc đời.
Cái giá cho sự trinh tiết của Kieu là 1.500 USD. Tuy nhiên, gia đình Kieu chỉ nhận được 1.000 USD còn 500 USD phải trả cho người môi giới. Mẹ Kieu đã dùng 1.000 USD để trang trải nợ nần và duy trì việc ao nuôi cá - nguồn thu nhập chính của gia đình.
"Em không biết mẹ yêu cầu em làm gì và liệu em có thể làm được việc đó hay không. Em không biết trước bất cứ chuyện gì. Cho đến sau khi mọi chuyện xảy ra, em mới biết công việc khủng khiếp đó", Kieu nghẹn ngào chia sẻ.
Theo nữ diễn viên Mira Sorvino, người trực tiếp tiếp xúc và lắng nghe câu chuyện của Kieu cho biết, sau khi Kieu biết em bị người đàn ông bằng tuổi chú, bác mình cướp mất trinh tiết, trái tim em đau đớn, tan vỡ.
Mẹ Kieu cũng rất đau buồn, nhưng bà vẫn tiếp tục bán Kieu cho một chủ nhà thổ. Kieu cho biết, em không muốn tới đây, không muốn trở thành gái mại dâm, nhưng cuối cùng, em vẫn chấp nhận số phận, sự sắp đặt của mẹ mình.
Bé gái cho biết, sau khi bước chân vào nhà chứa, "họ canh giữ em chặt như một tù nhân".
Kieu bị mẹ mình bán cho tổng cộng 2 nhà thổ. Một nhà thổ cách biên giới Thái Lan 400 km. Khi em biết được rằng mẹ lại sắp bán em cho một nhà thổ khác, lần này trong 6 tháng, Kieu tự nhủ em không thể ở nhà được nữa. Em bỏ trốn khỏi nhà.
Theo nữ diễn viên Sorvino, câu chuyện đau lòng của Kieu không hề xa lạ ở Svay Pak. Và Kieu chỉ là một trong rất nhiều bé gái bị mẹ ruột bán trinh và cuộc đời sau đó bị chôn vùi trong các nhà thổ, chịu đựng sự tra tấn về mặt thể xác lẫn tâm hồn.
Chuyện đời của Kieu đã trở thành đề tài cho bộ phim tài liệu “Mỗi ngày ở Campuchia” giúp mang lại cái nhìn chân thực về các hoạt động thương mại tình dục trẻ em ở đất nước này.
Nữ diễn viên Sorvino cho biết, bộ phim giúp nâng cao nhận thức về nạn mại dâm trẻ em ở Campuchia và gây quỹ giúp AIM gia tăng các hoạt động bảo vệ thanh thiếu niên.
Theo một cuộc khảo sát của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 35% trong số 15.000 gái mại dâm ở Campuchia là trẻ em dưới 16 tuổi. Những địa điểm như Svay Pak (Phnom Penh) trở thành trung tâm của nạn buôn bán trẻ em và là địa ngục của các bé gái bởi các hoạt động mại dâm trẻ em công khai.
Nạn mại dâm trẻ em trở thành vấn nạn tồn tại đã lâu ở Campuchia bởi nhiều người quan niệm rằng, quan hệ tình dục với trinh nữ có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Các chủ nhà chứa ở Campuchia sử dụng các biện pháp như bỏ đói, giam hãm và đánh đập để bắt nạn nhân bán dâm.
Những biện pháp tra tấn đáng sợ khiến phần lớn các nạn nhân đều cam chịu sống kiếp tủi nhục dù phải tiếp tới 20 khách mỗi ngày và không có ngày nghỉ.
Trong những năm gần đây, báo chí phương Tây liên tục phơi bày vấn nạn mại dâm trẻ em ở Campuchia cũng như số phận của các em gái - nạn nhân của vấn nạn này. Các tổ chức bảo vệ trẻ em quốc tế đã bắt đầu thành lập những trung tâm phúc lợi ở Campuchia nhằm giải cứu nạn nhân và giúp các em tái hòa nhập cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.