Tâm sự của một ông lão mong mình thất nghiệp

Chủ nhật, ngày 03/04/2011 13:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có ngày tôi nhặt được cả nửa cân đinh, mảnh kim loại nhọn trên một đoạn quốc lộ chỉ dài chừng 5 cây số. Cũng đã có không ít những lời đe dọa của chủ một số quán bơm vá ven đường...
Bình luận 0

Tôi sinh ra ở Bình Phước, thuộc thế hệ những người lính Cụ Hồ đầu tiên tập kết ra Bắc sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đã hơn 50 năm tôi xa nơi chôn nhau cắt rốn. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong suốt quãng đời quân ngũ của tôi là vinh dự 3 lần được gặp và chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ, 2 lần được trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

img

Ông Long phân loại đinh nhặt được sau một ngày rong ruổi trên đường.

Chính những dấu ấn quan trọng ấy là điểm tựa để tôi lựa chọn làm một công việc lạ đời nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Gần 20 năm nay, không quản nắng hay mưa, trừ những khi đau ốm, còn lại ngày nào tôi cũng đeo túi ra đường từ sáng sớm, cặm cụi tìm từng chiếc đinh, vật nhọn kim loại đem về.

Tôi biết, đây là việc làm rất nguy hiểm, vừa phải cẩn thận nhìn trước, nhìn sau, lẹ tay nhanh mắt nhặt, vừa phải ra hiệu để các phương tiện tham gia giao thông biết. Trên các tuyến đường quanh TP.Phủ Lý và dọc QL 1A nơi tôi đang sống, ngày nào tôi cũng nhặt được vài chục cái đinh hoặc vật nhọn kim loại.

Ban đầu thấy tôi làm việc này, vợ và con cháu phản đối kịch liệt. Nhiều người xung quanh nhìn tôi như sinh vật lạ. Có đồng đội còn tìm đến tận nhà tôi can: "Tiền lương hưu của 2 vợ chồng cộng với tiền cho thuê cửa hàng không dưới 10 triệu đồng, con cái thì vương trưởng, thành đạt cả, sao ông còn tự đày thân cho khổ". Những lúc ấy, tôi chỉ cười bởi mục đích công việc mình làm chỉ mong góp sức làm giảm tai nạn giao thông và cũng là tạo một nguồn thu nho nhỏ để giúp đỡ người nghèo.

Nhớ có lần giữa buổi trưa nắng, đang nhặt đinh ngoài đường, tôi bị xuất huyết não và ngất xỉu, may có người quen bắt gặp đưa vào viện cấp cứu, nằm mất mấy tháng. Sau lần ấy, cả gia đình tôi hạ quyết tâm sẽ không cho tôi đi nhặt đinh nữa. Vậy mà khi được bác sĩ cho về hôm trước, hôm sau thấy tôi đeo túi ra đường, cả nhà đều... ủng hộ. Việc làm có ý nghĩa của tôi đã được những người thân yêu nhất thấu hiểu...

Số đinh và các phế liệu kim loại nhặt được, tôi mang về nhà cất giữ cẩn thận, khi nào đủ vài cân thì đem đi bán. Tiền đem về, tôi bỏ vào lợn nhựa cùng với khoản trích từ lương hưu để khi có đợt quyên góp từ thiện ủng hộ.

Đến nay, tôi đã gửi ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, cho Quỹ Xóa đói giảm nghèo, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên 30 triệu đồng. Mỗi lần làm từ thiện là một lần tôi thấy như mình khỏe thêm dù năm nay tôi đã bước sang tuổi 83. Nếu có ai đó hỏi, tôi sẽ trả lời rằng, điều tôi mong mỏi nhất là nghề nhặt đinh của mình sẽ "thất nghiệp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem