Hơn 10 năm nay, tôi và chiếc xe đạp cà tàng của mình đã trở thành bạn quen với cánh lái xe và người đi đường dọc khắp các địa bàn từ Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ đến Hà Nam, Ninh Bình. Những hôm thời tiết xấu, thấy một ông già còng lưng đạp, nhiều xe khách đón đầu "mời" tôi lên. Ban đầu họ cũng "hét giá", nhưng khi nghe tôi kể về công việc mình làm thì chẳng tài xế nào nỡ thu tiền của tôi nữa. Lâu dần thành quen, cánh lái xe gọi tôi là "bố già... khuyết tật".
|
Ông Định cùng chiếc xe cà tàng hơn 10 năm đi tìm trẻ bất hạnh. |
Sinh năm 1930, mồ côi cha từ nhỏ, nhọc nhằn cùng mẹ đi làm thuê, làm mướn kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày nên tôi rất đồng cảm với những số phận bất hạnh. Cơ duyên đến với tôi năm 2001 khi một tổ chức của nước ngoài thông báo tuyển tình nguyện viên làm công tác đi tìm các đối tượng trẻ lang thang, trẻ mồ côi, tật nguyền về tập trung tại HTX Ngọ Hạ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Tây cũ) để dạy nghề.
Vợ con khuyên can, không ít người bảo tôi đã đến tuổi "gần đất xa trời" nên muốn mượn việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" để đánh bóng tên tuổi. Mặc mọi người nói, cùng với chiếc xe đạp cũ, tôi thực hiện công việc của mình với niềm say mê kỳ lạ...
Thời gian đầu, không ít gia đình có người khuyết tật sau khi nghe tôi trình bày đã lắc đầu quầy quậy. Bằng sự chân thành và nhiệt tình của tôi, danh sách các cháu nhỏ tật nguyền được tôi dẫn về HTX dạy nghề Ngọ Hạ ngày một nhiều.
Không kể ngày nắng hay mưa, hễ có thông tin về những mảnh đời bất hạnh là tôi dắt xe ra khỏi nhà. Địa bàn của tôi cũng được mở rộng dần từ quanh xã ra khắp huyện Phú Xuyên rồi sang các huyện và tỉnh lân cận. Thời gian vắng nhà của tôi lúc thì vài ngày, có khi tới cả tuần, nửa tháng.
Mà cũng lạ, từ ngày tôi nhận công việc đi tìm trẻ khuyết tật đến nay đã hơn 10 năm dãi nắng, dầm mưa, tôi như khỏe ra, chưa khi nào ngã bệnh.
Tôi không thể nhớ hết mình đã đưa bao nhiêu cháu về, theo lãnh đạo của HTX Ngọ Hạ thống kê thì số lượng trẻ bất hạnh được tôi đưa về để học nghề đến nay khoảng hơn 2.000. Điều tôi vui nhất là các cháu đã, đang có một công việc với thu nhập ổn định cho tương lai mà còn thay đổi cách sống, vượt qua mặc cảm để trở thành người có ích...
Mùa đông này tôi bước sang tuổi 82, sức đã giảm nên vợ và các con nhất quyết khuyên tôi phải nghỉ ngơi ở nhà nhưng tôi chưa chịu. Cứ nhớ những lúc tôi tới thăm lớp học nghề, các cháu vây quanh tíu tít kể chuyện rồi bịn rịn không muốn cho tôi về là mọi mệt nhọc lại tiêu tan hết, đôi chân lại muốn đi. Đúng! Tôi là "bố già" của những mảnh đời không may mắn. Còn khỏe ngày nào là tôi còn đạp xe đi tìm các cháu nhỏ khuyết tật, bất hạnh...
Hà Xuân Định - thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Ứng Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.