Bữa cơm sáng ở đơn vị diễn ra đúng 5 giờ 30 phút, cơm dẻo, canh nóng đã được bày sẵn trên bàn ăn. Vừa xong buổi sáng, lại tiếp tục chuẩn bị cơm trưa, rồi đến cơm chiều, đều đặn như vậy, một ngày 3 buổi, các “anh nuôi” của đơn vị luôn lo toan chu đáo, tận tình cho hàng trăm con người ở đây.
|
Anh nuôi ở Bộ CHQS Đồng Tháp. |
Với anh nuôi, ngoài sự chịu khó, cần cù, còn phải có tài tính toán lo liệu bữa ăn đủ chất, tiết kiệm. Thiếu úy Trương Hoàng Vĩnh - nhân viên quản lý Tiểu đoàn cho biết: “Hiện nay do giá cả thị trường tăng cao nên hầu như đơn vị đảm bảo tự cung tự cấp. Nhưng các loại thịt cá do đơn vị tăng gia chỉ có một vài loại, nên để bữa ăn của bộ đội được phong phú, chúng tôi thường xuyên thay đổi hình thức chế biến. Chẳng hạn chỉ với thịt heo, cá tra, cá trê, nếu chịu khó thay đổi cách chế biến như kho mắm, chưng tương, nướng… bữa cơm sẽ rất ngon miệng”.
Với các chiến sĩ, thời gian làm anh nuôi cũng là thời gian giúp họ trải nghiệm công việc mới. Làm 6 tháng, chiến sĩ Diệp Đi được xem là một trong những đầu bếp nhanh nhạy tháo vát ở Tiểu đoàn Trinh sát, Bộ Tham mưu. Diệp Đi cho biết: “Ở nhà tôi chưa hề biết nấu ăn, vậy mà khi nhận nhiệm vụ ở bộ phận nuôi quân, tôi lại thấy mình rất hợp với công việc này. Mấy lần về thăm nhà, tôi trổ tài nấu mấy món ăn học được của các anh em khác, cả nhà cứ tấm tắc khen ngon. Vậy là mình bỗng nhiên trở thành đầu bếp giỏi nhất nhà”.
Cũng như Diệp Đi, chiến sĩ Huỳnh Đặng Nguyên sau 7 tháng làm anh nuôi, từ người không biết nấu ăn đến nay Nguyên có thể đứng bếp và chế biến thành thạo nhiều món ăn khác nhau, đảm bảo nấu hàng trăm khẩu phần mỗi bữa. Trong năm 2011, Huỳnh Đặng Nguyên được tập thể đơn vị bầu chọn là Chiến sĩ thi đua. Nguyên phấn khởi: “Với tôi, đã là một người lính thì nhiệm vụ nào cũng vinh quang cả”.
Thế Hiển
Vui lòng nhập nội dung bình luận.