Tấn công thị trường ngoại, chinh phục thị trường ngoại, nông sản Việt ngoạn mục vượt Covid-19
Tấn công thị trường ngoại, chinh phục thị trường nội, nông sản Việt ngoạn mục vượt Covid-19
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 23/06/2020 19:52 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đã có những tác động to lớn đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản. Dù vậy, sự chủ động trong quá trình xúc tiến thương mại, tích cực mở rộng thị trường đã giúp ngành nông nghiệp từng bước lấy lại đà tăng trưởng và ghi nhận những dấu ấn quan trọng.
Tưởng rằng sẽ phải đối mặt với vụ thu hoạch nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng nhờ chủ động các kịch bản, đến thời điểm này, việc tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều ở hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương diễn ra tương đối thuận lợi.
Đặc biệt, ngoài thị trường truyền thống của trái vải là Trung Quốc, năm nay, các doanh nghiệp Singapore cũng trực tiếp sang Việt Nam mua vải thiều thay vì mua qua thương nhân Trung Quốc.
Thị trường Nhật Bản cũng chính thức mở cửa cho trái vải thiều sau khi cử hẳn một chuyên gia sang giám sát việc xử lý khử trùng các lô vải thiều xuất khẩu, ngày 20/6 vừa qua, những trái vải thiều tươi của Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều siêu thị của Nhật Bản, được khách hàng đón nhận. Giá bán vải thiều tại Nhật lên tới 500.000 đồng/kg.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, khi đã đủ tiêu chuẩn vào Nhật Bản thì vải thiều Việt Nam gần như chắc chắn sẽ vào được các nước khác trên thế giới.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bắc Giang, dự kiến sản lượng vùng vải có mã số xuất đi Nhật Bản là khoảng 600 tấn.
Sự chủ động trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều được thể hiện ở chỗ, ngay từ đầu Bộ NNPTNT, tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước.
Để đảm bảo vụ vải thiều thắng lợi, Bộ NNPTNT đề nghị tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người trồng vải các kỹ thuật canh tác, thu hoạch để bảo đảm vải thiều có chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đến tham quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các HTX, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn và bộ phận thương vụ của các nước để kịp thời cập nhật thông tin thị trường, chính sách biên mậu, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có vải thiều.
Trong khi đó, sản phẩm cá tra lại đang tìm cách chinh phục thị trường nội địa với 100 triệu dân. Cụ thể, một chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ nội địa cho các sản phẩm cá tra đã được tổ chức tại Hà Nội trong 4 ngày, từ 9 – 12/6 với việc giới thiệu các sản phẩm cá tra tươi sống và đã qua chế biến.
Tại Hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay được tổ chức tại An Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã vạch ra hướng đi cho ngành cá tra trong thời gian tới, bao gồm cả lộ trình xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6/2020, các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc, vì thị trường này đang phục hồi khá tốt. Tiếp đó, từng bước tháo gỡ các thị trường khác, như thị trường châu Âu, thị trường Hoa Kỳ.
"Bộ NNPTNT quyết tâm cùng các doanh nghiệp, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiền năng, đặc biệt là phải thị trường nội địa. Sự phụ thuộc vào xuất khẩu đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng bị đối tác hủy hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu. Với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Lấy lại tăng trưởng
Sự chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường đã giúp nhiều mặt hàng nông sản vượt ra khỏi những tác động của dịch Covid-19.
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 năm 2020 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2020 đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,41 tỷ USD, giảm 3,2%.
Lúa gạo là một trong số ít mặt hàng nông sản không chịu tác động của dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/5/2020, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn, trị giá 1,2 tỷ USD tăng 5,3% về lượng và 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và tăng 18,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Điều đáng nói là, giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 470,2 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, xuất khẩu gạo trong thời gian tới sẽ còn khởi sắc do Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19; Bangladesh đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa.
Xuất khẩu cà phê cũng giữ được đà tăng trưởng dù dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Thống kê của thấy, xuất khẩu cà phê tháng 5 năm 2020 ước đạt 124.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2020 đạt 807.000 tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng và tăng 2,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản dù giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019 nhưng từ nay đến cuối năm vẫn nhìn thấy những điểm sáng để có thể vực dậy tăng trưởng.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Nhật sẽ tăng trong quý II/2020 ở nhóm hàng thuỷ sản đông lạnh, đóng hộp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng đóng hộp như cá ngừ đóng hộp sang châu Phi, do những mặt hàng này có thể dự trữ trong thời gian dài trong mùa dịch Covid-19.
Đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, đại dịch Covid-19 mang đến những thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội để chuyển đổi đối với ngành.
Mô hình kinh doanh theo chuỗi cửa hàng hiện đang gặp khó khăn vì chi phí vận hành lớn và thiếu tính năng động. Covid-19 là động lực để chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng không gian kỹ thuật số trong ngành gỗ.
"Trước bối cảnh khó khăn và cơ hội nêu trên, các doanh nghiệp chế biến trong ngành cần tận dụng cơ hội tái cơ cấu bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn cũng như đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức kinh doanh" – Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.
"Nhiều năm qua, Bộ NNPTNT đã liên tục thực hiện tái cơ cấu để đổi mới thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Ví dụ như mặt hàng gạo, nếu như năm 2018, thị trường Trung Quốc chiếm tới 50% thị phần, tuy nhiên, khi nhu cầu từ thị trường này giảm, ngay lập tức chúng ta điều chỉnh đi tìm những thị trường mới. Hiện thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 5% nhưng mục tiêu xuất khẩu gạo của chúng ta vẫn đạt.
Tóm lại, thị trường luôn rộng mở, quan trọng là chúng ta phải đổi mới tổ chức sản xuất, đưa hàng hóa với chất lượng tốt nhất, giá thành cạnh tranh nhất. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp và người dân phải xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, liên kết lại để sản xuất hiệu quả" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.