Tan hoang lũ quét, đừng đổ lỗi hết cho trời

Trần Thị Huyền Trang Thứ hai, ngày 07/08/2017 06:22 AM (GMT+7)
Chúng ta không được phép “ngây thơ” và thụ động đổ lỗi cho trời. Người dân ngây thơ và thụ động là có tội với gia đình mình. Chính quyền ngây thơ và thụ động là có lỗi với dân.
Bình luận 0

San phẳng, cuốn trôi, mất tích, đó là những từ ngữ xuất hiện với tần suất cao trên các kênh truyền thông miêu tả độ tàn phá kinh khủng của đợt lũ ống, lũ quét vừa rồi tại các tỉnh vùng núi Tây Bắc.

Tại Yên Bái, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ, lũ ống đổ từ độ cao ước 2.000m như con thác đứng, bứt theo những tảng đá núi và những thân gỗ to hơn người ôm. Đá và cây cùng với nước tông vỡ nhiều thứ khác cản đường, làm tan hoang cả một vùng dân cư sầm uất của thị trấn Mù Cang Chải và các vùng lân cận. Trường học hai tầng bị lũ xô sập, nghiến nát cả bàn ghế học sinh thành một đống ngổn ngang.

img

Một cuốn giáo án còn sót lại tại trường Võ Thị Sáu (Mù Cang Chải)

Tình trạng lũ quét diễn ra tại Sơn La với sức tàn phá không kém lũ ống Yên Bái, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân, ngoài ra còn phá gãy hai cây cầu kiên cố, chia cắt và cô lập địa hình. Cầu Nậm Păm ở Mường La đã bị nước lũ đánh sập một bên rồi cuốn đi trước khi đánh đắm.

Bê tông cốt thép còn bị lũ quật tơi tả nát nhừ, huống chi thân người?

Con người dù mạnh mẽ cỡ nào cũng sẽ trở nên quá nhỏ bé và mong manh trước thiên tai không được báo trước. Gương mặt bàng hoàng và thất thần của những người vừa thoát chết cho thấy họ không tin mình vẫn còn sống sót.

Trong số đó, có một người mẹ trẻ ở Mù Cang Chải đã liều mạng lao theo dòng nước xiết để giật lại đứa con bé bỏng, nhưng không phải ai cũng có thể ngược nước và có được may mắn như chị.

Nhiều người đã bị nước bứt lìa nhau qua cuộc tử sinh.

img

Chị Vừ Thị Sầu, vợ anh Giàng A Hù (39 tuổi) - cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình Mù Cang Chải khóc ngất trên bãi đất trống đợi nhận thi thể chồng. Ảnh: VNN

Nhiều gia đình đang vô vọng đào bới các đống đổ nát để tìm thi thể người thân của mình.

Và chưa đầy 3 ngày sau (5.8), đến lượt Mường Lói của Điện Biên “thất thủ” trong lũ ống. Lũ từ đầu nguồn suối Huổi Puốc ầm ầm đổ về khu vực xã biên giới Mường Lói, nước ngập đến mái nhà.Thương đứt ruột khi nhìn thấy những cánh tay, những mái đầu ngoi ngóp nhô lên, vẫy gọi trong khoảng lạnh lẽo mênh mông đến rợn người ấy.

Theo thống kê, tới ngày 6.8, đã có 26 người chết và 16 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên.

Chưa bao giờ chúng ta sợ chạm tới các con số như lúc này!

Hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình phút chốc lâm vào cảnh chiếu đất màn trời vì mất hết nhà cửa, tài sản. Hệ lụy này không thể giải quyết ngày một ngày hai.

Qua xác tín của người dân Yên Bái, cơn lũ ống vừa qua là cực lớn trước nay chưa từng có. Trận lũ quét ở Sơn La vừa qua cũng được cho là lớn nhất trong vòng 70 năm trở lại đây. Đợt mưa to và kéo dài được cho là nguyên nhân trực tiếp của những cơn lũ lịch sử này.

img

Cảnh hoang tàn, đổ nát sau lũ

Mưa lớn là một yếu tố gây ra lũ, nhưng căn nguyên của lũ ống, lũ quét dồn dập như vừa qua không chỉ tại trời mưa. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật.

Chính tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên rừng núi bao gồm cây rừng và đá núi ở mức tận thu nhiều năm qua mới là nguyên nhân gốc của vấn đề!

Hãy tạm tin vào chủ nhân ngôi biệt phủ ở Yên Bái, rằng ngôi nhà lộng lẫy ấy được xây bằng tiền buôn chổi đót và sâu chít, thì hẳn là đã có hàng ngàn cánh rừng đót đã ra đi để ông này biến giấc mơ thành hiện thực.

Hay như tòa lâu đài ở Sơn La, gỗ để xây nên tòa ngang dãy dọc và trang hoàng nó như cung điện là ở đâu ra? Gỗ được mua bằng tiền, hay được biếu tặng, vân vi rất nhiều lối chúng ta chưa tỏ tường. Song, có một điều chắc hơn đinh đóng cột, gỗ ấy là từ rừng mà ra, quyết không phải do chiếc đũa thần thông nào biến thành.

Rừng đã bị cưa tận gốc, để rồi người dân phải lấy sinh mệnh ra trả giá.

Lúc Yên Bái và Sơn La quằn quại trong lũ, ở Điện Biên hẳn đã có thông tin, vì sao không chủ động triển khai kế hoạch phòng tránh thiên tai, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm sớm hơn?

Lũ ống thường xảy ra trên các lưu vực nhỏ, miền núi, nơi có địa hình khép kín bởi các dãy núi bao quanh và chỉ thông với bên ngoài bằng các hang, khe hoặc suối nhỏ, hẹp có bờ dựng đứng.

Vậy nên, khi nhìn mặt cắt bản đồ thị trấn Mù Cang Chải, có ý kiến cho rằng cách bố trí dân cư thành vòng tròn khép kín trong thung lũng dưới chân núi như vậy là không ổn, vì một khi có lũ, nước sẽ cuốn phăng mọi thứ cản đường.

Điều này có thể người dân không biết, người không có chuyên môn cũng sẽ không biết; tuy nhiên qua sự kiện này, đòi hỏi chính quyền và cơ quan chức năng cần phải đủ tầm hoặc phải nhờ đến các chuyên gia để biết và quy hoạch an cư hợp lý cho dân.

Còn nhớ từ đầu năm 2015, tại Hội nghị giới thiệu Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố báo cáo đặc biệt về “Quản lý rủi ro thiên tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu” (báo cáo SREX).

Rõ ràng, chúng ta không thể để báo cáo SREX nằm im trên giấy, hay ngủ quên trên mạng, trong khi người dân luôn đối diện với rủi ro thiên tai và chưa biết cách tránh đỡ nó như thế nào.

Chúng ta không được phép “ngây thơ” và thụ động đổ lỗi cho trời. Người dân ngây thơ và thụ động là có tội với gia đình mình. Chính quyền ngây thơ và thụ động là có lỗi với dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem