Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM là nơi lưu giữ một "hiện vật" đặc biệt khiến nhiều du khách trong và ngoài nước sửng sốt khi được chứng kiến, đó là xác ướp của một nữ quý tộc Việt có niên đại 2 thế kỷ.
Xác ướp người phụ nữ được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1994 trong một ngôi mộ cổ song táng (hai quan tài) bề thế tại xóm Củi (phường 8, Q. 5, TP. HCM). Xác ướp còn nguyên vẹn, nằm ngập dưới dung dịch dầu thơm màu nâu đỏ trong một quan tài gỗ dài 2,2m, cao 50cm. Quan tài còn lại chứa một ít xương, thuộc về một nam giới
Thông qua các hiện vật thu được từ ngôi mộ, các nhà khảo cổ xác định xác ướp là bà Nguyễn Thị Hiệu, một nữ quý tộc dưới thời nhà Nguyễn. Bà cao 1m52, tóc còn đen, làn da mịn màng như con gái, mất vào năm 1868 khi được khoảng 60 tuổi.
Khi mới khai quật, sự hoàn hảo của xác ướp đã khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên. Các khớp xương của bà Hiệu vẫn co duỗi linh hoạt, cơ thể bà chỉ bị teo lại chút ít, chưa có dấu hiệu phân hủy.
Cơ thể mảnh mai, bàn tay nhỏ nhắn của xác ướp khiến các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà đã có một cuộc sống an nhàn, không phải lao động vất vả. Điều này phù hợp với địa vị quý tộc của bà.
Sau khi khai quật, xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu đã được đưa về bệnh viện Đại học Y dược để nghiên cứu. Sau đó xác ướp được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để lưu giữ và trưng bày cho đến ngày nay.
Hiện tại, do không còn được ngâm trong dung dịch bảo quản, xác ướp của bà Hiệu đã khô cứng, mũi và mí mắt gần như bị phân hủy hoàn toàn.
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong những xác ướp nguyên vẹn nhất được phát hiện ở Việt Nam một thế kỷ qua. Đây là minh chứng cho nghệ thuật ướp xác đạt đến trình độ cao của người Việt trong quá khứ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.