Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Mỹ Nguyễn Văn Hoàng, chúng tôi về khu ương cá giống của ấp Bình Thượng 1 (xã Thái Mỹ, Củ Chi, TP.HCM) trong một chiều mưa tầm tã. Dọc theo những con đường nội đồng đã được nhựa hóa phẳng phiu, thi thoảng xuất hiện những phủ (ao) ương cá giống bỏ hoang cho… bò nằm.
Tiếc nuối…
Theo ông Hoàng, nghề ương cá giống xã Mỹ Thái có từ năm 2007. Thời hoàng kim, xã có 7 ấp thì ấp nào cũng có hộ ương cá giống, tập trung nhiều nhất tại ấp Bình Thượng 1 và 2. Bình quân mỗi hộ ương 2-5 phủ cá giống, như: Trê lai, tai tượng, chép. Trung bình mỗi hộ cho ra vài tấn cá giống/tháng. Phương thức hợp tác được các hộ ương cá giống tính với nhau theo kiểu “vần đổi công”.
Có nghĩa, người bỏ giống, người bỏ thức ăn, hoặc hỗ trợ vật liệu phủ bạt, thi công hồ cá, sang cá giống cho đủ số lượng, chủng loại cung cấp cho khách hàng khi có yêu cầu số lượng lớn, thương lái thu mua…
“Để hỗ trợ nông dân ương cá giống, ngoài kỹ thuật, Hội Nông dân xã đã cho hàng chục hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân” - ông Hoàng cho biết.
Những phủ ương cá trước đây của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, giờ đã bỏ hoang. Ảnh: T.Đ
"Nghề ương cá chỉ cần diện tích vài trăm m2 và số vốn ban đầu chỉ cần vài triệu đồng để mua bạt về làm phủ. Giống cá thì tôi cho mua thiếu khi nào bán cá giống thì trả tiền”.
Ông Hoàng Minh Đức
|
Đồng hành với nông dân ương cá, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Củ Chi còn thành lập Chi hội cá bột ở xã Thái Mỹ với 17 hội viên nhằm hỗ trợ phát triển ngành sản xuất cá giống theo hướng chuyên nghiệp hóa. Khi tham gia chi hội, hội viên được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật tạo hồ, chăm sóc cá giống, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Anh Trần Văn Tuấn - Chi hội trưởng chi hội cá bột cho biết, một năm ương cá giống được 9 chu kỳ. Nếu hộ nào có 2 phủ cầm chắc có thu nhập 60-70 triệu đồng/năm” - anh Tuấn khẳng định.
Còn nhớ, vài năm trước, chúng tôi cũng đã có lần ghé Thái Mỹ xem nông dân ương cá trê giống. Mỗi năm gần 100 hộ ương cá giống ở đây cung cấp cho miền Tây Nam Bộ hàng trăm triệu con cá giống. Ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ, đã rất sung sướng với nghề này vì đã đưa Thái Mỹ từ một xã nghèo trở thành xã giàu với gần 70% số hộ khá giả, hộ nghèo chỉ còn đếm đủ trên đầu ngón tay.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (ấp Bình Thượng 1) - một trong những người khai sinh ra làng ương cá giống cho biết, lúc ấy với 5 phủ ương cá giống, mỗi tháng chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Giờ ngay cả chị Nga cũng giảm từ 5 phủ xuống con 2 phủ ương cá giống. Chồng chị, từ chỗ chí thú ương cá giống, giờ đã chuyển sang nuôi 20 tổ ong lấy mật.
“Giờ tình hình ương cá giống rất khó khăn. Giá cả, đầu ra bấp bênh, môi trường nước không tốt, chất lượng cá bột yếu... Nhiều hộ ương cá giống ở đây giờ đã bỏ nghề, người tiếp tục làm thì giảm phủ, nuôi cầm chừng. Vừa rồi tôi lỗ 10 triệu đồng tiền mua cá bột vì thả cá bao nhiêu chết bấy nhiêu” - chị Nga thổ lộ.
Theo ông Hoàng Minh Đức - một chủ trại ương cá bột cung cấp cho các hộ ương cá giống ở xã Thái Mỹ, so với thời hoàng kim, hiện số hộ ương cá bột ở xã chỉ còn khoảng 40%. “Trước đây, mỗi năm trại tôi sản xuất 200 triệu con cá bột. 50% số cá này bán cho các hộ ương cá giống ở xã Thái Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ còn 1/2 số lượng cá giống bán ra cho các hộ ương cá ở Thái Mỹ so với trước đây” - ông Đức chia sẻ.
Ông Hoàng cho biết, mới đây xã đã cho khảo sát số lượng hộ ương cá giống trên địa bàn. “Làng ương cá giống bây giờ chỉ còn 55 hộ thôi” - ông Hoàng thông tin.
Cầm vàng mà để vàng rơi…
Nhiều phủ ương cá của nông dân các tỉnh đang mọc lên trên đất Thái Mỹ, trong khi bà con nông dân địa phương lại bỏ nghề. Ảnh: T.Đ
Theo ông Đức, việc ông Hoàng thông tin còn 55 hộ ương cá giống trên địa bàn xã Thái Mỹ là tính luôn số hộ từ các tỉnh miền Tây đến xã tổ chức ương cá giống chứ không phải hoàn toàn là người địa phương. Riêng số hộ ương cá của các tỉnh trên địa bàn đã hơn 30 hộ.
Ông Đức cho rằng, ông không chắc nghề ương cá có thể làm giàu, nhưng thoát nghèo và vươn lên khá giả thì hoàn toàn có thể làm được. “Nghề ương cá chỉ cần diện tích vài trăm m2 và số vốn ban đầu chỉ cần vài triệu đồng để mua bạt về làm phủ. Giống cá thì tôi cho mua thiếu, khi nào bán cá giống thì trả tiền” - ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, người ương cá ở Thái Mỹ lần lượt bỏ nghề để đi theo tiếng gọi của thợ hồ, bảo vệ, công nhân… “Hội cũng đã hết sức vận động, hỗ trợ bà con ương cá giống, nhưng họ không thích ương cá nữa nên biết làm sao” -ông Hoàng bộc bạch.
Thương lái thu mua cá giống để bán phóng sinh. Ảnh: T.Đ
Hiện, tại xã Thái Mỹ có 4 lái cá. Ông Sáu Bình (Đinh Văn Bình) - một thương lái cá cho biết, thời gian qua 90% lượng cá ương ra chỉ bán để phóng sinh. Vào những dịp rằm lớn trong năm, như: Tháng Giêng, tháng Bảy hay tháng Mười, mỗi thương lái thu mua mỗi ngày từ 1-2 tấn cá trê tại đây để bán cho thị trường phóng sinh. Vào ngày thường, mỗi thương lái cũng thu mua vài trăm kg/ngày.
“Giờ không chỉ những người giàu có mua cá mà công nhân cũng bỏ tiền mua cá phóng sinh” - ông Sáu Bình cho biết.
Trong khi nhiều hộ ương cá tại địa phương bỏ nghề, thì hàng chục nông dân từ tỉnh Sóc Trăng lại kéo về Thái Mỹ tổ chức ương cá. Hiện tại khu đất rộng khoảng 1ha giáp ranh 2 ấp Bình Thượng 1 và Bình Hạ Đông mọc lên liên tiếp các ao nuôi cá giống. Xung quanh những ao nuôi cá là những mái chòi lụp xụp che chắn bằng những tấm nhựa tạm bợ. Mỗi chòi là một gia đình người Khmer - chủ những ao cá tại đây.
Hầu hết những hộ này đều có ruộng đất tại quê nhà, nhưng do đất quá ít (2 - 3 công đất/hộ) nên lợi nhuận từ làm lúa gần như không có.
Theo anh Thạch Diện - một hộ đang ương 3 phủ cá, sau 2 tháng ương, mỗi phủ có thể thu được 500kg - 1 tấn. Với giá 37.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi phủ lời 5 - 10 triệu đồng.
“Mỗi năm gia đình tôi cũng lời được 100 triệu đồng từ ương cá. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với trồng lúa tại quê nhà. Tôi nghĩ, mình sẽ không làm lúa nữa mà chuyên tâm ương cá tại đây” - anh Diện thổ lộ.
Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ Lê Ngọc Sương chia sẻ, nghề ương cá từng giúp nhiều hộ trên địa thoát nghèo vươn lên khá giả. “Giờ thấy bà con bỏ nghề ương cá đi làm công nhân, thợ hồ… mà xót. Sao người nơi khác đến lăn xả, kiếm tiền từ nghề ương cá mà bà con mình lại không gắn bó?” - bà Sương tiếc ngẩn ngơ. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.