Tân Thịnh mơ thành nông thôn... Hàn Quốc

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 15:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được chọn vào danh sách những xã điểm về xây dựng nông thôn mới, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, bộ mặt ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang gần như đã được "làm mới" hoàn toàn.
Bình luận 0
img
Thu nhập của người dân ở thôn Sậm (Tân Thịnh) đang ngày càng nâng cao.

Cuộc "cách mạng" của những người chân đất

Những ngày này về Tân Thịnh, đi đến đâu cũng được người dân nhắc đến cụm từ "nông thôn mới" như một câu cửa miệng của hàng nghìn người dân ở đây. Thôn Sậm là một trong 12 thôn của xã được chọn làm "điểm" về xây dựng nông thôn mới.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trong thôn, ông Nguyễn Văn Khuyến - Phó thôn Sậm không giấu nổi vẻ tự hào nói: "Anh biết không, mới mấy tháng trước đây những con đường bê tông này vẫn còn là đường đất gồ ghề, khó đi lắm, từ khi khởi động dự án dựng nông thôn mới, chúng tôi đã xây dựng mới hoàn toàn các đường ngang, ngõ dọc trong thôn, nói chung ai cũng phấn khởi".

Ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Lăng, một hộ dân nằm giữa làng, ông Lăng khoe: "Vừa rồi, để xây dựng đường, thôn có vận động đóng góp thêm tiền, tôi đồng ý ngay, nhà tôi chỉ có tôi và bà tôi đã góp 2 triệu đồng, giờ thì bê tông đã được đổ vào đến tận cổng nhà rồi".

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới của toàn xã, từ tháng 4-2009 cả thôn Sậm như bước vào cuộc "cách mạng" khi nhà nhà đều bắt tay vào công việc này. Cả thôn có 350 hộ với 1.350 khẩu, hầu như hộ nào cũng tham gia làm dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Văn Thuấn- Trưởng thôn Sậm cho biết: "Ngay sau khi được xã phát động xây dựng nông thôn mới, riêng năm 2009 chúng tôi đã huy động được 160 triệu đồng, cùng hàng nghìn ngày công để bê tông hoá được 85% đường trong làng, chưa kể 300 triệu đồng huy động để xây dựng đình, chùa".

Theo ông Thuấn, việc góp vốn của người dân chủ yếu được thực hiện trên phương châm tự nguyện, vận động bà con là chính, nên các hộ đều rất hăng hái ủng hộ. Thậm chí, người dân còn tự nguyện mang tiền đến để đóng góp làm đường, thường mỗi hộ đóng 1-2 triệu đồng/người, có hộ còn đóng tới 5 triệu đồng/người".

Ông Nguyễn Tiến Dũng, đã hơn 70 tuổi kể: "Nhà mình đã làm 2 tầng từ suốt năm 1995, nhưng tôi vẫn luôn mơ có một có đường bê tông đi để thuận lợi hơn. Thế nên, khi nghe cán bộ thôn xuống vận động, tôi đóng ngay 4 triệu đồng, giờ đường được trải bê tông đến tận nhà rồi". Có con đường đẹp, ông Dũng tân trang ngay lại nhà cửa, từ cổng vào cho đến sân, vườn nhà đều được ông làm lại cho phù hợp với quy hoạch của dựng nông thôn mới.

Khó vạn lần dân liệu cũng xong

img Làm dựng nông thôn mới khác làm dự án ở chỗ, không phải cứ làm xong mỗi con đường là xong, mà sau đó chúng ta phải thay đổi được nếp nghĩ, cách sống, phong tục sinh hoạt cho mỗi hộ gia đình. img

Ông Đỗ Văn Thuấn - Trưởng thôn Sậm

Ông Thuấn tâm sự: "Tôi cứ thấy nơi này, nơi kia phản ánh kêu gọi nào là thiếu vốn, khó huy động dân. Nhưng thực tế từ địa phương cho thấy, điều quan trọng là phải làm cho dân hiểu, dù dân không quá giàu có, nhưng vẫn sẵn sàng cùng nhau làm dựng nông thôn mới. Dân mình không phải không có sức, mà nó nằm ở ý thức".

Tân Thịnh là một xã trung du miền núi thấp, nghề nghiệp của người dân ở đây chủ yếu là làm ruộng và buôn bán tự do. Cả xã có 12 thôn với gần 9.000 nhân khẩu, tỉ lệ lao động chưa có nghề nghiệp ổn định vẫn chiếm số đông.

Ông Đặng Quang Tạo - Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: "Vấn đề khó nhất hiện nay là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo tiêu chí quốc gia về dựng nông thôn mới, số lao động làm nông nghiệp chỉ còn 30%, như vậy chúng tôi dư ra đến 1.200 lao động, nhưng đến nay cũng chỉ mới chuyển được 200 lao động, còn không biết rồi sẽ cho dân làm gì ngoài nông nghiệp nữa".

Trước khi được chọn để xây dựng dựng nông thôn mới, Tân Thịnh đã đạt được 8/19 tiêu chí về dựng nông thôn mới, chỉ sau mấy tháng triển khai xã đã có thêm 3 tiêu chí nữa đạt là quy hoạch, đường giao thông nông thôn và chợ nông thôn. Các tiêu chí còn lại, như tiêu chí về số lao động qua đào tạo, việc vận động người dân đưa các chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, theo ông Tạo, không dễ đạt.

Đến nay, toàn xã Tân Thịnh đã huy động nhân dân đóng góp được 527 triệu đồng để làm các công trình công cộng, ngoài ra người dân cũng đã tự bỏ ra khoảng 400 triệu đồng để chỉnh trang nhà cửa, vườn tược.

Ông Đỗ Văn Thuấn cho biết: "Theo tôi biết, cả xã sẽ nhận được 30 tỷ đồng để hỗ trợ làm dựng nông thôn mới, nhưng phần lớn số vốn trên đều để dành xây dựng các hạng mục lớn như trụ sở làm việc của xã, rồi trường, trạm xá… Do đó, vốn dành xuống cho các thôn hầu như không đáng kể, có thôn chỉ nhận được 100-200 triệu đồng, còn lại vẫn phải huy động dân đóng góp là chính".

Giờ đây, bộ mặt nông thôn ở Tân Thịnh đã và đang được thay đổi từng ngày với những nền móng đầu tiên đã được đặt xuống. Tuy nhiên, để hình dung ra bộ mặt dựng nông thôn mới trong tương lai sẽ ra sao, ông Tạo cũng chỉ nói rằng: "Để hình dung ngay từ bây giờ thì khó lắm, cứ làm đến đâu biết đến đó đã. Nhưng tôi cũng hi vọng đây sẽ là một nông thôn như ở Hàn Quốc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem