Tận thu sa khoáng: Từ ngỡ ngàng đến ngộp thở

Thứ ba, ngày 04/01/2011 12:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các “quặng tặc” dùng cào khoét vào chân những phiến đá to như ngôi nhà 3 gian, để móc quặng ra. Nhiều người còn chui đến nửa người vào bên trong, chỉ còn mỗi 2 chân và cái mông thò ra ngoài.
Bình luận 0

Có đi vào trung tâm khai thác thiếc lậu xã Thiện Kế (Sơn Dương, Tuyên Quang) mới thấy rõ quá trình khai thác thiếc lậu huỷ hoại rừng, núi, nguồn nước như thế nào. Tất cả bắt đầu từ việc tận thu thiếc sa khoáng. 

Chẻ đá tìm quặng

img

Đào đãi thiếc lậu ở xã Thiện Kế, Sơn Dương (Tuyên Quang).

Tận mắt thấy cảnh tàn phá của việc khai thác thiếc đối với cánh rừng nguyên sinh ở đây, chúng tôi đi từ cảm giác ngỡ ngàng đến ngộp thở, vì tất cả trước mắt tôi chỉ là một bình địa không hơn không kém.

Những hòn đá bị móc lên, chẻ ra vứt ngổn ngang thành gò, thành đống khắp rừng. Chúng tôi muốn ngược núi chỉ có mỗi cách duy nhất là trèo lên những đống đá mồ côi sắc nhọn để tiến lên.

Người dẫn đường liên tục cảnh báo: “Cẩn thận không đá đè là mất chân, mất tay như chơi đấy. Để ý cả mấy cái hố sâu hun hút, nếu rơi xuống là toi đời”.

Chưa nghe những lời cảnh báo ấy thì bước chân của chúng tôi cũng đã phải rón rén. Nhưng khi nhìn xuống những hố sâu đó, cái cảm giác kinh hoàng mới “phát tán” trong người: Các “quặng tặc” dùng cào khoét vào chân những phiến đá to như ngôi nhà 3 gian, để móc quặng ra. Nhiều người còn chui đến nửa người vào bên trong, chỉ còn mỗi 2 chân và cái mông thò ra ngoài.

Tôi tò mò lại gần để xem cái nửa người kia là đàn ông hay đàn bà thì bị một thanh niên mặt đen như than chặn lại: “Ông anh thông cảm, đừng xuống. Bọn em ở đây vừa làm, vừa nghe ngóng, ông anh trèo vào lung tung đá sập, đè chết cả lũ bây giờ”.

Thì ra đây là khu vực mà cánh làm quặng gọi là “đánh sa khoáng” khai thác lộ thiên. Có nghĩa là làm theo mạch nước khoét xuống sâu để vét quặng, sau đó mới chuyển qua máng đãi. Nếu gặp đá to thì phải đập cho tan ra rồi vét quặng tiếp, cách này không tốn tiền đầu tư lâu dài. Làm ngày nào ăn ngày đấy. Nếu thấy kiểm lâm chỉ việc tót vào rừng là xong.

Như hiểu được sự nguy hiểm của việc chui vào cái hàm ếch dưới tảng đá, thân người có khác gì quả trứng bị đặt dưới ngàn cân, Trung- người thôn Khoa B, xã Thiện Kế trườn ra nói: “Tao vẫn thấy vỉa nhưng kiểu này phải đập thôi, không thì khó gặm lắm”.

Cả nhóm 6 thanh niên xúm vào xem thớ tảng đá rồi thay nhau quai liên hồi những nhát búa chắc nịch xuống tảng đá to bằng gian nhà, nhưng tảng đá vẫn trơ ra. Ngồi nghỉ sau một hồi quai búa, Thắng - một trong nhóm 6 người móc quặng nói: “Cái giống đá xám này dai lắm, nếu không có vài thỏi mìn ốp vào có vài ngày cũng không gãi được nó ra để mà vét quặng. Mấy hôm nay bí thuốc, bọn em đành phải chẻ đá bằng tay, kiểu này mai phải đi mua mìn gấp, chứ sâu thế này đang ngon ăn mà gặp đá thì có mà thất thu”.

Phân đoạn công việc

Nếu như cái công việc nặng nhọc chẻ đá để vét quặng chỉ dành cho cánh đàn ông lực điền, thì công đoạn đảo máng đãi quặng nhất định không thể lọt khỏi tay chị em phụ nữ. Bởi thế trên bãi quặng này lúc nào cũng có hàng trăm chị em đủ mọi lứa tuổi thi nhau “ai nhanh tay đãi bằng tay em”, để tìm những hạt quặng đắt đỏ.

Ngồi phụ việc cho mẹ và chú, cô bé Tô Thị Vân, đang học lớp 9 Trường Thiện Kế. Nhìn những động tác thành thạo khi lắc máng, tôi biết Vân đã làm lâu năm trong công việc này.

Vân giảng giải: “Đất cho vào máng đãi phải bóp thật kỹ, chao vào nước để cho trôi dần đi, phải làm cẩn thận, tỉ mỉ. Quặng nặng sẽ đọng xuống dưới, khi nào còn lại những hạt đen nhỏ như hạt vừng thì đó chính là quặng thiếc. Cứ 5 lần đảo máng mà được một lạng quặng là sướng lắm rồi”.

Sau mỗi lần đảo máng thu được một gợn quặng mỏng, Vân lại cẩn thận đổ vào chiếc túi nilon như sợ những hạt quặng vương ra ngoài mất.

Cũng là một thợ đãi quặng, chị Loan vừa khuấy đất trong máng, vừa kể: “Bãi thiếc này phát hiện được 10 năm thì chị có thâm niên cả 10 năm làm nghề đãi máng. Cả đội chỉ cần mấy tay đàn ông để vét quặng ở dưới khe và đập đá thôi. Cả làng tớ đàn bà cứ sáng đi mang theo cơm nắm ăn trưa tại chỗ làm, tối lại về nhà với chồng với con”.

Làm như chị Loan, ngày ít cũng kiếm được 200 nghìn đồng. Còn hôm nào trúng thì được cả triệu đồng, nên càng làm càng ham. Chị nói: “Trừ những hôm mưa gió không đi làm được thôi, chứ tội gì mà ngồi ở nhà, mình không làm thì người khác cũng làm mất, chứ có ai giữ đâu mà sợ”.

Kỳ 3: Vòi bạch tuộc trên núi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem