Tận thu với người bệnh

Thứ năm, ngày 12/07/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng 5.2012, Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đưa ra một con số kinh ngạc về số tiền mà người dân một tỉnh miền núi phải “chi ngoài quy định” cho y bác sĩ: 5.000 đồng.
Bình luận 0

Nói kinh ngạc là bởi số tiền “lót tay” 5.000 đồng cho thấy đời sống cán bộ y tế ở cơ sở đang ở vào tình trạng khổ cực, đến mức ăn cả vào sự túng quẫn đến thảm hại của những người bệnh. Đôi khi, vì khó khăn- người ta rất dễ chặc lưỡi cho những “bàn tay dưới gầm bàn”.

Nhưng “nỗi khổ 5.000” chưa phải là tất cả. Báo chí ngày hôm qua đã công bố thông tin: Càng là các tỉnh nghèo thì càng muốn thu viện phí ở mức “kịch trần”. Cụ thể: 14 tỉnh thành muốn áp dụng từ 80-90% khung viện phí. 16 tỉnh thậm chí đề xuất áp dụng mức 90-100% mức kịch khung viện phí.

Chẳng hạn như ở tỉnh miền núi Lai Châu. Những người dân chỉ có thu nhập bình quân 10,5 triệu đồng (năm 2011), chỉ bằng 1/3 mức bình quân chung cả nước có thể sẽ phải trả viện phí ngang với mức kịch trần của một bệnh viện hạng đặc biệt. Cần nói thêm là đã có tới 32 bệnh viện đề xuất “kịch trần” với lý do là bệnh viện “hạng đặc biệt” hoặc “loại 1”.

Thế còn câu chuyện mức kịch trần của các tỉnh nghèo? Vì nghèo nên phải tận thu. Hay là phải triệt thu đến mức kịch trần vì còn khó khăn? Dù với lý do nào thì đó cũng không phải là lý do để viện phí “đè đầu cưỡi cổ” dân nghèo bất chấp họ sống ra sao, thu nhập thế nào.

Câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao” được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo đưa ra ngay sau đó: “Các địa phương miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, cuối năm vẫn còn dư tiền của quỹ bảo hiểm y tế nên muốn xây dựng viện phí cao nhằm tăng nguồn thu cho cơ sở khám chữa bệnh”. Chưa hết, ông Thảo nêu trường hợp Lào Cai “Giá vật tư đã được mua cao hơn 1,5-2 lần so với địa phương khác, nên viện phí phải... cao theo”. Hóa ra viện phí không “phải” chỉ gồm những chi phí sạch!

Nhớ hồi ban hành khung giá viện phí mới, một lãnh đạo Bộ Y tế đã trấn an dư luận, rằng sẽ tùy tình hình kinh tế xã hội địa phương, tùy thu nhập và đời sống dân cư, HĐND các tỉnh sẽ quyết mức phù hợp. Câu trả lời hôm nay đã có. Cùng ngày với câu chuyện đua nhau “kịch khung” giá viện phí, còn có thêm những câu chuyện bi hài khác. Báo Người Lao Động dẫn lời một bác sĩ khẳng định: Rất nhiều loại thuốc khi đến được tay người bệnh giá đã bị đội lên hàng chục lần, thậm chí cả trăm lần.

Hình như tất cả những loại bệnh tật, của những người không chịu nổi giá kịch khung của viện phí hoặc sự phi mã của giá thuốc đều được coi là “lạ” cả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem