Tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh - kiểm tra, giám sát

Q.Nguyễn Thứ ba, ngày 23/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Mục tiêu được Chương trình đề ra là bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1944 phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.

Chương trình được ban hành có mục tiêu chung là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm; củng cố, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.

Về mục tiêu cụ thể, chương trình hướng tới chủ động phòng ngừa, tiếp tục làm giảm tội phạm, năm sau giảm so với năm trước; giảm tỷ lệ tái phạm tội; giảm ít nhất 5% các tội phạm xâm hại trẻ em so với giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm hằng năm đạt trên 75%; các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố. Bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và phấn đấu bắt 50% số đối tượng truy nã phát sinh.

Cùng với đó, chương trình đặt mục tiêu bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố, bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%. Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực, nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; nâng tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đều được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tập trung thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu tỷ lệ chuyển hóa thành công hằng năm đạt từ 60% trở lên; 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không tái phức tạp trở lại…

Tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị tuyên án tù chung thân về tội Nhận hối lộ, trong vụ án MobiFone-AVG. Ảnh: TT

Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu

Để đạt được mục tiêu trên, chương trình đặt ra các nhiệm vụ đó là nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi để tội phạm gia tăng, phức tạp, lộng hành, kéo dài nhưng không có các biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, cần chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỉ lệ phạm tội lần đầu.

Mặt khác, thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo.

Ngoài ra, cần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự…

Chương trình đã nêu cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương…; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Ngoài ra, chương trình cũng nêu rõ, đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tăng cường giám sát, theo dõi hoạt động thực hiện pháp luật về phòng, chống tội phạm; kiến nghị xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đồng thời, đề nghị VKSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp công tác với Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Chính phủ trong việc điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm bảo đảm kịp thời, nghiêm minh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem