Không sợ mất chức
Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và hiện là Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), ông Phùng Chí Công mang đến hội nghị với kinh nghiệm 2 lần kiên trì đấu tranh xử lý tham nhũng. Lần đầu từ năm 1999, ông đấu tranh kéo dài hơn 5 năm, vụ việc mới được truy tố, xét xử. Lần thứ 2 từ 2008 đến nay, “cuộc chiến” của ông Công vẫn chưa kết thúc.
"Tôi ý thức được rằng, tham nhũng luôn gắn liền với người có chức, có quyền và được câu kết với nhau thành thế lực, thậm chí lại còn rất được lòng cấp trên. Từ kinh nghiệm đấu tranh PCTN đợt trước, năm 2008, tôi chính thức gửi đơn tố cáo 7 vụ cố ý sai phạm, tham nhũng. Đến nay, cơ quan chức năng đã xác minh 5 vụ, phát hiện sai phạm gần 2,6 tỷ đồng. Có thể đây là số tiền chưa lớn so với các vụ tham nhũng khác, nhưng đối với người dân lao động thì không hề nhỏ tí nào” - ông Phùng Chí Công nói.
Ông Công cũng cho biết, khi phát hiện sai phạm, ông đã trực tiếp phân tích, đề xuất cách xử lý đúng quy định. Tại các cuộc họp thường trực UBND, ông Công thẳng thắn tranh luận, đưa ra quan điểm, kiến nghị giải quyết nghiêm minh.
“Nếu lãnh đạo quận phớt lờ, không xử lý sai phạm, tôi sẽ tập hợp hồ sơ, chứng cứ để có đầy đủ cơ sở khẳng định sai phạm liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, tôi tranh thủ báo chí vào cuộc, tạo dư luận mạnh mẽ” - ông Phùng Chí Công chia sẻ.
Chủ động cung cấp thông tin
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đều khẳng định hệ thống văn bản pháp luật về PCTN của Việt Nam khá hoàn chỉnh, chặt chẽ và được các nước trong khu vực cũng như thế giới đánh giá tốt. Vấn đề là làm thế nào để những thông tin trong hoạt động PCTN đến được với người dân một cách nhanh nhất, chính xác và đầy đủ.
“Mặc dù PCTN ở nước ta còn nhiều khó khăn, cam go, nhưng không thể không làm được. Các nước khác làm được, sao chúng ta không làm được. Vấn đề là chúng ta phải không ngừng sáng tạo, quyết tâm đến cùng” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói.
Ngày 17.8, 34 đề án dự thi Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 đã được vinh danh và sẽ được triển khai trên thực tế trong thời gian tới. Tổng giá trị giải thưởng là 9,2 tỷ đồng và được sử dụng làm kinh phí thực hiện ý tưởng.
Chia sẻ về kinh nghiệm tuyên truyền thông tin liên quan tới công tác PCTN, TS Vũ Thy Huệ (Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN) cho rằng, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên. Người dân chỉ tiếp cận thông tin chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ít có thông tin hướng dẫn thực hiện các giải pháp, kết quả và hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp PCTN. Trong khi đó, đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng chậm được thực hiện.
“Tôi cho rằng để đưa thông tin PCTN chính xác, kịp thời, cần chủ động cung cấp thông tin, nhất là đối với một số vụ án lớn, phức tạp cho công luận để tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan chuyên trách về PCTN cần có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm để chủ động cung cấp thông tin, phục vụ công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc quản lý, cung cấp thông tin, vi phạm Luật Báo chí”- TS Huệ đề xuất.
Hoàng Long
Vui lòng nhập nội dung bình luận.