Ngày 20.5, tại TP.Cần Thơ diễn ra buổi tọa đàm “Tổ chức và hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trong Phật giáo Nam tông Khmer – thực trạng và giải pháp”.
Toạ đàm do Ban Dân vận Trung ương (T.Ư) phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức, với sự tham gia của đại biểu từ 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Theo Ban Dân vận T.Ư, do đặc thù, quá trình lịch sử hình thành riêng, nên mô hình và cơ cấu tổ chức của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ở mỗi địa phương khác nhau. Việc bầu, suy cử ban thường trực, thành lập các ban chuyên môn, tên gọi chức danh người cũng khác nhau;... Các cấp hội đều quy định chế độ sinh hoạt nhưng ít nơi duy trì, chưa có sự phối hợp giữa Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành nên cả hai hoạt động gần như độc lập, có sự chồng chéo, kém hiệu quả…
Vì vậy, ông Thạch Mu Ni – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) đã đề xuất nghiên cứu nâng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trở thành tổ chức có tính chất đặc thù (tức Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước là tổ chức đặc thù của giới chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer).
Ông Dương Xà Kha – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước có tính đặc thù nhưng không trái với phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội. Chính quyền các tỉnh nên có chính sách hỗ trợ, quan tâm để Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước trang bị những trang thiết bị cần thiết, giúp Hội hoạt động có hiệu quả”.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Cần có sự quan tâm đầu tư, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách để xây dựng tốt hơn đời sống của người dân tộc Khmer. Chú ý đến nhu cầu đào tạo, tập huấn của các sư sãi nhưng cần có sự quản lý đúng mức; nhất là hết sức quan tâm giải quyết những nhu cầu chính đáng của các sư sãi để tránh bị tuyên truyền, kích động, làm mất đoàn kết dân tộc…”.
Chúc Ly (Chúc Ly)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.