Tăng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên học nghề

Khải Huyền Thứ sáu, ngày 13/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
Với những công việc dù không tiếp xúc với nhiều người, nhưng dễ bị khách hàng “phản ứng” như đầu bếp, quản trị khách sạn, nhà hàng hay du lịch…, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sẽ được chú trọng đào tạo kỹ năng mềm như xử lý phản hồi của khách hàng, truyền thông, tạo mối quan hệ…
Bình luận 0

Thiếu kỹ năng, khó thăng tiến

Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác học sinh sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện nay, người lao động của nước ta vẫn yếu về kỹ năng mềm và kỹ năng cơ bản, trong khi đây là yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất lao động. Nhận thấy đây là điểm yếu cần thay đổi, hiện một số trường nghề đã bắt tay vào đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang thí điểm xây dựng các chương trình về kỹ năng mềm cho người học, tiến tới ban hành tiêu chuẩn về kỹ năng cơ bản cho người học.

img

Sinh viên nghề nấu bếp khi đi làm phải biết cách ứng xử với thực khách. Ảnh:  Khải Huyền

Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tư vấn tuyển sinh cũng cho rằng, lực lượng lao động trẻ của Việt Nam siêng năng, năng động, tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong nhóm ASEAN, hiệu suất lao động của người Việt Nam còn thấp. Điều này một phần do khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên chỉ tập trung vào việc thu nạp kiến thức chuyên môn mà bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng mềm, như kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Khi vào việc thực tế, người lao động dễ bị xao nhãng bởi những sự cố trong công việc.

Theo đánh giá của tổ chức Plan International Việt Nam, trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam ngày càng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm, nhận thức về việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề. Đặc biệt, đối với thanh niên học nghề nói chung và nhóm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, việc phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết để nắm bắt cơ hội thành công.

Trước đó, năm 2018, bộ tài liệu đào tạo kỹ năng mềm 60 giờ, bao gồm tài liệu giảng dạy dành cho giáo viên và sách thực hành dành cho học sinh đã được xây dựng. Bộ tài liệu đã được triển khai thử nghiệm với hơn 2.000 sinh viên của 2 trường nghề là Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị.

Đào tạo nghề đi đôi với kỹ năng

Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong xu hướng hội nhập hiện nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp xây dựng các chương trình đào tạo nghề nghiệp kèm theo rèn luyện kỹ năng mềm cho người học.

Thạc sĩ Phạm Thị Châu Hương - Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Cao đẳng nghề TP.HCM, cho hay , ngoài việc đào tạo kiến thức nghề nghiệp, nhà trường cũng lồng ghép đào tạo 15 kỹ năng mềm cho người học như kỹ năng suy nghĩ tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tưởng tượng và sáng tạo… Đây là những kỹ năng cần thiết để sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tốt cả trong nước và đủ điều kiện “chinh chiến” ở nước ngoài.

Hay như tại Trường Trung cấp Việt Giao, chương trình đào tạo được kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, do đó sinh viên được trực tiếp cọ sát với công việc của mình trong tương lai. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học viên đã được các doanh nghiệp mời làm việc.

Ví dụ, đối với nghề đầu bếp, người học sẽ được đào tạo các chuyên môn nấu bếp Âu, bếp Á, pha chế, làm bánh… và các kiến thức như dinh dưỡng, khẩu phần thực đơn, an toàn thực phẩm… Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành đầu bếp hoặc mở quán ăn, nhà hàng, quản lý một căn bếp của riêng mình.

“Đặc biệt ở nghề bếp là tiếp xúc trực tiếp với dạ dày của nhiều người thông qua thức ăn nên bên cạnh những lời khen, sẽ có người phàn nàn. Trường cũng đào tạo cho sinh viên kỹ năng xử lý phàn nàn, để các em biết khi khách khen mình phải làm gì, khi khách chê thì mình cũng biết cách xử lý” - thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông, Trường Trung cấp Việt Giao, chia sẻ.

Góp nhặt vốn sống làm kỹ năng

“Bên cạnh những kiến thức học trong sách vở, sinh viên cần được trải nghiệm các tình huống thật nhất trong cuộc sống thường nhật. Đó có thể là những câu chuyện đời, những nghịch cảnh, những trải nghiệm của bạn bè… Qua đó, giúp các em hình thành và tích lũy vốn kỹ năng cần thiết”.

TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem