ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An - ảnh quochoi.vn).
Chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào?
Sáng nay (22/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về kinh tế -xã hội. Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH cho ý kiến là liên quan đến việc tăng giá điện. ĐB Nguyễn Hữu Cầu ( Nghệ An) cho rằng, dù Bộ Công Thương đã có giải trình về cơ chế tính giá điện nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.
“Cử tri không biết cách tính giá điện nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.”, ĐB Cầu nói và cho biết thêm, người dân nói tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả.
Vị ĐBQH này đề nghị Kiểm toán Nhà nước nên vào cuộc việc tăng giá điện để cử tri yên tâm.
ĐB Lê Thu Hà (ảnh quochoi.vn).
Đồng tình với ĐB Cầu, ĐBQH Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng: “Có lẽ nên để Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện”.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương lý giải cách tính giá điện lũy tiến 6 bậc có tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, nhưng theo ĐB Lê Thu Hà, ở các nước này họ có nhiều chính sách đi kèm như ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện có cạnh tranh, phân biệt mức giá điện kinh doanh và điện sinh hoạt….
“Ta copy bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được”, ĐB Hà nói. Bà đề nghị, cần có câu trả lời rõ ràng về chính sách bù lỗ giá điện thực chất là thế nào và vấn đề này có liên quan đến tăng giá điện hay không?.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) lưu ý, việc điều hành mà để dư luận bức xúc thì cần xem xét lại và hiện nay, Chính phủ đang giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện.
ĐB Diến đề nghị: “Quốc hội cần giao Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, để có nghị quyết, giao Chính phủ điều hành nhằm đảm bảo công khai minh bạch, trên cơ sở pháp luật và phải được người dân đồng tình”.
ĐB Trần Hoàng Ngân (ảnh IT).
Nói giá thành điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN là không đúng
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều ngày nay ông đều nhận được câu hỏi của cử tri "giá điện liệu có giảm không?" khi hoá đơn tiền điện của người dân tăng cao sau đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36%.
Dẫn lại báo cáo của Chính phủ giải trình về điều hành giá điện, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ quan điểm, không đồng tình với cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay.
Hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Thái Lan 7 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh nhu cầu dùng điện của người dân đang tăng. “Do đó, bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", ĐB Ngân nói và đề xuất, gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh.
Phát biểu ở tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô chính là khẳng định niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, Chính phủ cũng rất băn khoăn trong điều hành giá điện và giá xăng dầu vì ít nhiều niềm tin cũng bị ảnh hưởng.
Về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, theo Phó Thủ tướng là dựa trên các thông số tính toán đầu vào. Biểu giá điện lũy tiến đã được áp dụng từ năm 2011, đến nay số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200kWh trở xuống chiếm 71%, do đó duy trì biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, việc nói giá thành điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nan (EVN) là thông tin không chính xác. “Hiện EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ còn lại vốn tương đương 7,5% tại Công ty công ty Tài chính điện lực, đang làm ăn có lãi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Liên quan đến biểu giá điện bậc thang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, Chính phủ tiếp thu ý kiến và đã giao nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ cấu. ‘Nhưng không có nước nào không dùng cách tính bậc thang cả và đều bảo hộ cho người nghèo, người có thu nhập thấp”, Phó Thủ tướng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.