Tăng lương tối thiểu và chuyện đuổi hình bắt bóng

Thứ sáu, ngày 12/04/2013 18:34 PM (GMT+7)
Dân Việt - Lương tối thiểu (LTT) chưa thể đáp ứng mức sống tối thiểu. Cần điều chỉnh mức LTT, nhưng điều chỉnh như thế nào, phương thức ra sao, trong khi trình độ tay nghề lao động thấp, năng suất lao động không cao.
Bình luận 0

Đây chính là những vấn đề mà nhiều chuyên gia đặt ra nhân Hội thảo về Mức sống tối thiểu diễn ra vào ngày 12.4.

Hơn 20 năm lương vẫn dậm chân tại chỗ

Ông Lê Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐTBXH) thừa nhận thực tế: “Hơn 20 năm nay chúng ta vẫn mải miết tranh cãi làm sao để LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu nhưng chưa có tiêu chí xác định mức sống tối thiểu.

Từ trước tới nay, lương của khu vực hành chính Nhà nước chỉ dựa vào khả năng ngân sách chứ không phải dựa vào nhu cầu đời sống tối thiểu. Trong khi đó, doanh nghiệp thì dựa vào nguyên tắc tăng năng suất lao động, tỷ số trượt giá để điều chỉnh”.

img
Lương tối thiểu của lao động chưa đảm bảo 50% mức sống tối thiểu.

Thế nhưng theo tính toán của Vụ Lao động tiền lương thì hiện nay khu vực hành chính Nhà nước cũng chưa thể đảm bảo được 50% nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công nhân viên chức. Nguyên nhân chính là do phạm vi chi phối điều chỉnh bị ảnh hưởng của mức lương tối thiểu quá rộng bao gồm cả đối tượng làm công ăn lương (16 triệu lao động nhưng chỉ 20% đóng BHXH)

Liệu tăng LTT có phải là đầu tư cho sự phát triển?

Các ý kiến chuyên đều khẳng định việc cần thiết phải nâng mức lương tối thiểu, để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện tái sản xuất sức lao động. Thế nhưng, nhiều người cũng băn khoăn, lo ngại không có cách nào để cải cách lương khi năng suất lao động thấp, trình độ lao động không cao.

Năm 2004 năng suất lao động của toàn xã hội là 4,4%, năm 2011 chỉ còn 3,8%. Năng suất lao động giảm, thì làm sao có thể đòi hỏi cải cách tiền lương.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Oxfam về lương và chế độ phúc lợi của lao động tại Tập đoàn Unilever cũng cho thấy: Mức lương của Unilever được cho là cao (mức 2,6 triệu đồng/1 lao động/1 tháng) nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được 38% mức sống tối thiểu của người lao động.

Đứng dưới góc độ người lao động, ông Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng: “Đầu tư cho tiền lương đầu tư cho sự phát triển, tái sản xuất sức lao động”.

Theo nghiên cứu điều tra của Viện Công nhân công đoàn trong năm 2012 thì mức sống tối thiểu của người lao động được tính dựa trên 2 yếu tố cơ bản là nhu cầu lương thực và nhu cầu phi lương thực.

Về lương thực, được tính toán dựa trên số hàng hóa (45 hàng hóa thiết yếu), yêu cầu dinh dưỡng phải đáp ứng khoảng 2300 kcalo/1 ngày/1 lao động. Tính thành tiền khoảng 28.000 đồng/1 ngày/1 lao động. Trong khi đó, nhu cầu về phi lượng thực ở mức rất cao và co xu hướng tăng nhanh với nhiều khoản chi phí không thể đo đếm hết được ví như: Tiền đình đám, cưới hỏi, tiền vui chơi, nuôi con ăn học…

Không đồng tình với quan điểm này, ông Lê Xuân Thành lại cho rằng: “Tăng lương cũng cần phải tính toán đến hiệu quả đóng góp với nền kinh tế. Chúng ta đã đánh giá tác động của việc tăng lương đến việc tăng GDP hay chưa? Hiện nay, chúng ta được biết đến là nước có lao động rồi rào, giá thành rẻ, tăng lương, có khả năng chúng ta sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với các nước cùng khu vực?”

“LTT tăng thì mức sống tối thiểu của người lao động sẽ được đảm bảo, nhưng sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ bị chết? Trong khi năng xuất chất lượng lao động thấp thì cũng không thể chỉ nghĩ tới tăng LTT được?” – ông Lê Xuân Thành phân tích.

“Hiện nay, với mức lương tối thiểu mà người lao động được nhận để chi phí cho mức sống tối thiểu thì bản chất những người lao động có thể chỉ duy trì cuộc sống được ở mức thấp hơn hoặc bằng với mức chuẩn nghèo.

Để có thể nuôi sống bản thân, người lao động phải làm thêm giờ (đối với khu vực sản xuất), hoặc phải ra ngoài làm (với cán bộ, công nhân viên chức). Không chỉ người lao động, những người thuộc nhóm bảo trợ xã hội cũng phải rất chật vật mới có thể dùng tiền lương hưu đảm bảo cho mức sống tối thiểu của họ” - bà Phạm Thị Thu Hà – chuyên viên của Oxfam nhận định.

Tiền LTT dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Năng suất lao động; nhu cầu sống tối thiểu của người lao động; do cung cầu lao động. Và phải chia LTT theo vùng để phân bố lại thị trường lao động, chỉ số trượt giá theo các vùng để đảm bảo tiền lương đảm bảo mức sống tối thiểu.

Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng quốc gia tiền lương. Đây sẽ là cơ quan tư vấn, khi 3 yếu tố tiền lương này thay đổi ảnh hưởng tới đời sống của người lao động thì đề xuất với Chính phủ thay đổi tiền lương đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem