“Tăng năng lực phục hồi, giảm bất bình đẳng”

Thứ năm, ngày 18/07/2013 06:39 AM (GMT+7)
Việt Nam có thể tránh được bi kịch, thảm họa từ biến đổi khí hậu, nếu xây dựng được năng lực phục hồi và giảm bất bình đẳng trước rủi ro.
Bình luận 0
Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Lê Nguyệt Minh – Giám đốc chiến dịch GROW của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng như vậy.

Thưa bà, Oxfam nhìn nhận và đánh giá như thế nào về tình trạng thiên tai, rủi ro ngày càng gia tăng ở Việt Nam?
- Từ năm 1970, số lượng nạn nhân lũ lụt và bão nhiệt đới đã tăng gấp đôi. Khả năng Trái đất nóng lên thêm 2 độ C có thể xảy ra. Khủng hoảng giá lương thực trong những năm gần đây đã đẩy 1,5 tỷ người vào thảm cảnh của bạo lực và xung đột.

                                                       Người dân nghèo sống  ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Người dân nghèo sống ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Ngay cả một nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, khủng hoảng giá gạo năm 2008 gây tác động lên đại bộ phận dân cư vì chúng ta có đến 55% số hộ ở nông thôn và 92% số hộ ở thành thị phải mua gạo ăn.

Thời tiết khắc nghiệt đe dọa an ninh lương thực. Những trận mưa lớn gây mất mùa tháng 10.2011 đã đẩy giá gạo của Việt Nam tăng thêm 30%, thị trường biến động mạnh, chi phí vận tải tăng cao. Đáng lo ngại hơn cả là chưa có được đánh giá đầy đủ tác động hiện tại và tiềm ẩn của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp và giá lương thực. Theo nhận định của tôi, tình trạng giá cả leo thang và biến động giá sẽ còn tệ hại hơn nữa.

Bà đánh giá những rủi ro và thiên tai tác động đến người nghèo như thế nào?

- Ước tính, cứ 7 trong số 10 người Việt Nam sẽ phải chịu rủi ro thiên tai như bão lụt, hạn hán. Hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Việt Nam khoảng 1,8 tỷ USD.

Không phải ngẫu nhiên mà rủi ro, khó khăn cứ đổ lên người nghèo khiến cuộc sống của họ ngày càng bất ổn, ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và đói nghèo. Những người nghèo nhất “hứng đủ” bởi lẽ họ không tiếp cận được các chương trình phúc lợi hay bảo trợ xã hội, khi nguy nan họ không có bảo hiểm hỗ trợ. Người nghèo cũng không có tiếng nói đủ mạnh, đồng nghĩa với việc họ có ít khả năng đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Theo chúng tôi, cả đầu tư của Chính phủ và viện trợ phát triển chưa đến được với những người nghèo nhất. Nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn được ưu tiên trong khi nông dân nghèo chật vật cầm cự sản xuất nhỏ hẹp; mà lợi nhuận thu được từ sản xuất hàng hóa cũng không thấm đến nông hộ nghèo...

Báo cáo mới của Oxfam “Không phải ngẫu nhiên – Năng lực phục hồi và sự bất bình đẳng của rủi ro” cho biết, đến năm 2015 một nửa dân số sống dưới mức 1,25 USD/ngày sẽ sống trong xung đột, trong mong manh; hàng triệu người sẽ phải đối mặt với thảm họa mà họ không thể kiểm soát là hệ lụy từ những biến động kinh tế và môi trường ở cấp toàn cầu.

Nhà nước và chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng khả năng phục hồi và giảm bất bình đẳng, gắn liền với phát triển quốc gia.


Vậy theo bà, Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề này theo hướng nào để giúp người dân giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng như chủ động thích ứng với điều kiện thế giới luôn biến động?

- Việt Nam có thể tránh được bi kịch thảm họa, nếu xây dựng được năng lực phục hồi và giảm bất bình đẳng trước rủi ro. Theo tôi, Nhà nước và chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng khả năng phục hồi và giảm bất bình đẳng, gắn liền với phát triển quốc gia. Cộng đồng quốc tế cần cung cấp các gói hỗ trợ cần thiết và chia sẻ trách nhiệm đảm bảo viện trợ đến được nhóm nghèo, nhóm dễ tổn thương nhất.

Chương trình quốc gia về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) hướng tới 6.000 xã và thôn làng thường xuyên chịu tác động của thiên tai là một ví dụ tốt cần được khuyến khích. Nhiều tổ chức quốc tế và xã hội dân sự, trong đó có Oxfam, đã đóng góp rất nhiều kinh nghiệm truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, giám sát và đánh giá, giảm thiểu trên quy mô nhỏ và nhân rộng, nhạy cảm giới, theo dõi ngân sách và lồng ghép vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tôi nhấn mạnh, Việt Nam cần bổ sung một mục tiêu phát triển mới – xây dựng năng lực phục hồi và giảm bất bình đẳng trước rủi ro.

Xin cảm ơn bà!


Thanh Xuân (thực hiện) (Thanh Xuân (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem