Nhạc sĩ Phạm Duy (phải) thăm thi sĩ Hữu Loan năm 2006.
Nghe tin anh Hữu Loan qua đời, tôi buồn, nhưng không tiếc thương quá đỗi vì anh đã được giời tặng cho tuổi tiên.
Tôi quen anh Hữu Loan từ ngày tôi vào Khu 4 năm 1948 và làm công tác văn nghệ trong Trung đoàn 9.
Khi đó anh Hữu Loan là cán bộ Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi trong tỉnh, trông rất oai nghiêm khiến tôi bái phục… Anh cao lớn, đẹp trai, đầu húi cua, tiếng nói lớn, khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn.
Anh thông thạo Pháp văn, Hán văn, đàm đạo về thơ rất hay nên tôi rất thích được truyện trò cùng anh. Những lần như vậy, tôi hay được nghe anh đọc: “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả”, “Tò he”, “Chiếc chiếu”, “Những làng đi qua”, “Hoa lúa” v.v…
Tôi đã có ý định phổ nhạc bài “Màu tím hoa sim” ngay từ lúc đó. Sức sống của bài thơ vô cùng mãnh liệt, hiếm có bài thơ nào chỉ nghe một lần mà cảm xúc đã găm giữ lại ngay trong trái tim người ta.
Câu chuyện về người vợ đầu của anh mất trong kháng chiến thì ai cũng biết, ai cũng tiếc thương, tôi đọc bài thơ mà cứ thấy vấn vít với những câu: “Nhìn áo rách vai/Tôi hát trong màu hoa/Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…” bởi nó chứa đựng những ý tình chua xót nhất của một người chồng mất vợ. Thế là bản nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà” ra đời.
Cũng có nhiều người phổ nhạc bài thơ nổi tiếng này, như “Chuyện hoa sim” của Anh Bằng, như “Màu tím hoa sim” của Dzũng Chinh, đó đều là những ca khúc thành công, dễ hát, dễ thuộc. Bài nhạc của tôi thì là một đại khúc với 5-7 đoạn nhạc mang nhiều chất bi tráng vì tôi đã từng được tiếp xúc với anh Hữu Loan, hiểu được chất oai hùng, khảng khái trong con người anh.
Thế cuộc đổi thay khiến anh và tôi không gặp nhau một thời gian dài, mãi tới năm 2006, tôi mới có dịp về Thanh để thăm anh. Tôi đi xe ôm đến Vân Hoàn, Nga Sơn để gặp anh trong một ngày trời mưa lạnh. Con đường nhỏ hẹp dẫn về nhà anh tôi chưa từng đi qua nên thực sự có nhiều bỡ ngỡ. Gặp lại anh, tôi mừng quá.
Người vợ sau sống cùng con cả trong một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ; anh râu tóc trắng phơ như một tiên ông, còn tôi thì cũng đã đầu bạc trắng. Chúng tôi lại cùng nhau nói chuỵện xưa, cùng uống bát nước chè tươi, ăn củ khoai luộc nóng như những lão nông. Bao nhiêu là kỷ niệm.
Tôi còn chúc mừng anh vì hồi năm 2004, bài “Màu tím hoa sim” của anh được mua bản quyền, anh bảo cũng không định làm thơ để bán đâu. Nhưng tôi bảo anh: “Anh nên mừng vui, không phải vì thơ anh bán được ra tiền, mà bởi vì người đời đã yêu thơ của anh, với một tấm lòng tử tế và thực tế”.
Tang lễ của anh tôi không thể đến dự, nhưng từ nơi xa xôi, tôi gửi lời bái biệt một con người mà cuộc đời đã khiến nhiều người phải kính phục. Giời đã tặng anh tuổi tiên, người đời đã yêu mến anh thành thực. Tưởng cũng không mong gì hơn thế!
Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhà thơ Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916 tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông tạ thế ngày 18-3 tại quê nhà. Hữu Loan học Thành Chung ở Thanh Hóa, đậu tú tài Tây năm 1938 tại Hà Nội. Năm 1943, ông gây dựng phong trào Việt Minh ở quê nhà, và khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, rồi được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Ông chưa từng xuất bản tập thơ nào, các bài thơ nổi tiếng là “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả”, “Yên mô”, “Hoa lúa”, “Tình Thủ đô”…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.