Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Nguyễn Việt Thứ ba, ngày 12/12/2023 14:50 PM (GMT+7)
Sáng 12/12, tại chùa Côn Sơn (Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, TP Chí Linh) đã diễn ra Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Bình luận 0

Dự đại lễ có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Toản, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Thượng toạ Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự GHPG tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương; lãnh đạo UBND TP Chí Linh; cùng đông đảo chư tăng, phật tử, du khách thập phương.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 2.

Buổi Đại lễ được tổ chức tại sân đền Côn Sơn (Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Việt.

Các đại biểu, phật tử, du khách thập phương ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp Hoằng dương Phật pháp sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức Vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông thông qua phần cung tuyên tiểu sử Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông do Thượng toạ Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Hải Dương; lời tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông do Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam trình bày.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 4.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 5.

Đông đảo tăng ni, phật tử và du khách thập phương về dự Đại lễ tưởng niệm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo đó, Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258 vào ngày 11 tháng 11 âm lịch. Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Sử sách ghi lại rằng khi Ngài mới sinh ra đã có dung mạo của bậc thánh nhân, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, sắc thái như vàng ròng, nên được vua cha đặt cho tên hiệu là Phật Kim.

Năm 16 tuổi, Ngài được lập làm Hoàng Thái tử vào năm Giáp Tuất – 1274. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão tinh thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh và Phật giáo để dạy dỗ cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố… Chính Vua cha đã soạn sách Di Hậu Lục để dạy cho Thái tử cách xử thế chuẩn bị nối nghiệp sau này nên Ngài đã trở nên tinh thông cả Tam giáo.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 6.

Khung cảnh Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Về Phật pháp, Ngài theo học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ, và được Thượng sĩ hết lòng hướng dẫn, trao truyền những yếu nghĩa thiền tông. Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 7.

Các chức sắc GHPG Việt Nam và đại biểu tỉnh Hải Dương, TP Chí Linh dự Đại lễ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm Mậu Dần – 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng là Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Năm sau, 1279 Đức vua Trần Nhân Tông đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.

Khi giặc Nguyên – Mông xâm chiếm Đại Việt, Ngài đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 8.

Hoà Thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đọc lời tưởng niệm Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Nguyễn Việt.

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, xã tắc thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, Ngài đã có nhiều chính sách củng cố triều đình, phủ dụ và đoàn kết toàn dân xây dựng, phát triển quốc gia Đại Việt vững mạnh, trường tồn. Đặc biệt là chính sách hòa giải, Ngài đã xóa bỏ mọi lỗi lầm trước đó của các quần thần, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi nhường ngôi, năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đích thân tiếp tục lãnh đạo quân sĩ Đại Việt đi chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi và tiếp tục mối bang giao hòa hảo với đất nước "Triệu voi". Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, Ngài trở về hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay) xin xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của người xuất gia tam giới.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 9.

Nhiều chức sắc Phật giáo tham dự Đại lễ tưởng niệm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 1299, Ngài lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người học Phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Đồng thời, Ngài đã thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế "Cư trần lạc Đạo", "Hòa quang đồng trần" là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 10.

Nhiều nhà sư, tăng ni thành kính tưởng nhớ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Nguyễn Việt.

Xuất gia tu hành chứng ngộ tinh túy của thiền tông và với tinh thần nhập thế sâu sắc, Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông đã thường xuyên đi các nơi để giảng dạy Phật pháp. Ngài không chỉ hoằng pháp ở khắp vùng thành thị, thôn quê mà còn du lãm ra cả các vùng đất bên ngoài; không phải chỉ ở trong nước, mà còn đến cả các nước lân bang.

Năm 1307, niên hiệu Hưng Long thứ 15, tại am núi Ngọa Vân, trong số các đệ tử là thiền sư Pháp Loa, Bảo Sát, Bão Phác, Pháp Không, Pháp Cổ, Huệ Nghiêm, Pháp Tràng, Hương Tràng, Hương Sơn, Mật Tạng…, Đức Điều ngự Trần Nhân Tông đã trao truyền y bát và viết tâm kệ trao cho Tôn giả Pháp Loa làm nối dõi truyền thừa Trúc Lâm.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 11.

Có cụ già cao tuổi cũng về dự Đại lễ tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ảnh: Nguyễn Việt.

Năm 1308, ngày mùng 1 tháng giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16, tại Cam Lộ đường chùa Siêu Loại (nay là Gia Lâm, Hà Nội), Điều Ngự Trần Nhân Tông đã trao chức vụ trụ trì chùa Báo Ân cho Ngài Pháp Loa và truyền tâm ấn phong làm Đệ nhị Tổ Trúc Lâm trước sự chứng kiến của vua Trần Anh Tông. Đức Điều Ngự trở thành Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, Ngài thường lui tới các chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Duơng, Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 12.

Các đại biểu thực hành nghi lễ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ngày mùng Một, tháng 11 năm Mậu Thân – 1308, Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông nhập diệt tại đỉnh Ngoạ Vân, am Tử Tiêu, núi Yên Tử, thọ thế 51 năm. Sau đó, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và vua Trần Anh Tông cung rước ngọc cốt và xá lỵ về kinh thành cử hành quốc lễ tôn thánh hiệu là: "Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật". Xá lỵ sau đó được chia thành nhiều phần được tôn trí tại Ngọa Vân Am, và Huệ Quang Kim Tháp hay còn gọi là Tháp Tổ tại chùa Hoa Yên, non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) và nhiều nơi khác.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 13.

Các nhà sư thực hành nghi lễ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, Sơ Tổ Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trì cho khắc in Đại Tạng kinh và biên soạn kinh sách, ngữ lục. Qua đó, Ngài đã để lại cho hậu thế kho tàng pháp bảo vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tông thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung Hưng Thực Lục, Truyền Đăng Lục

Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Đông đảo phật tử về chùa Côn Sơn dự Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - Ảnh 14.

Các nhà sư kính cẩn đứng tưởng niệm. Ảnh: Nguyễn Việt.

Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay GHPG Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.

Sau đó diễn ra phần nghi lễ cúng dàng tưởng niệm, dâng hương tưởng niệm tại hoa đài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem