Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

Bùi My Thứ tư, ngày 13/12/2023 14:13 PM (GMT+7)
Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn thu hút sự tham gia của hàng ngàn đại biểu, phật tử, nhân dân, du khách thập phương.
Bình luận 0

Ngày 13/12, tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308-2023).

Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - Ảnh 1.

Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ảnh: Bùi My

Đại lễ tưởng niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính. Bên cạnh các nghi lễ, hàng ngàn tăng ni, phật tử, người dân, du khách thập phương đã cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, hoằng dương Phật pháp, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm của Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - Ảnh 2.

Hàng ngàn tăng ni, phật tử, người dân và du khách tham gia đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ảnh: Bùi My

Sư cô Tuệ Huy (đến từ TP.Đà Nẵng) chia sẻ, bản thân rất háo hức khi dự đại lễ, nhất là được về nguồn, được nghe ý nghĩa của ngày tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Còn Phật tử Nguyễn Thị Minh Hòa (TP.Hà Nội) bày tỏ cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi khi về đây tham dự đại lễ tưởng niệm. Vua Trần Nhân Tông là vị vua đã 2 lần đánh đuổi quân Nguyên Mông để đất nước hòa bình, độc lập. Ngài là vị vua duy nhất từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm nét tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam.

Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - Ảnh 3.

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ảnh: Bùi My

Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn gắn với khánh thành cung Trúc Lâm Yên Tử. Được biết, công trình được xây dựng tại bến xe Giải Oan cũ thuộc xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, với tổng diện tích xây dựng giai đoạn I hơn 6000m².

Sau khi đưa vào sử dụng, công trình có sức chứa khoảng 5.000 - 7.000 người, là nơi tôn vinh giá trị của Thiền phái Trúc Lâm, tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo. Đặc biệt, kinh phí xây dựng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vận động và nguồn công đức của Phật tử tại chùa Yên Tử với khoảng 250 tỷ đồng.

Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - Ảnh 4.

Các đại biểu khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: Bùi My

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, công trình mang dấu ấn văn hóa của nhà Trần, của Phật giáo Trúc Lâm, tạo điểm nhấn cho khu di tích danh thắng Yên Tử, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ góp phần lan tỏa được những giá trị của văn hóa, Thiền phái Trúc Lâm.

Hàng ngàn người tưởng niệm 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - Ảnh 5.

Cung Trúc Lâm Yên Tử lưng tựa vào dãy núi Yên Tử, mặt hướng khê giao thủy tụ, lại có núi bình phong trước mặt, tả thanh long hữu bạch hổ. Ảnh: Bùi My

Bà Phạm Thị Vinh (phường Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh): "Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Trước hết là quang cảnh hội trường của cung Trúc Lâm Yên Tử rất hoành tráng, nhưng cũng rất linh thiêng. Tôi mong muốn Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng Phật giáo thế giới ngày càng phát triển, dân tộc Việt Nam ngày càng phát triển, yên vui, người dân ấm no, hạnh phúc".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem