Không dám đi vào cao tốc
Trao đổi với PV ngày 17.3, ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: “Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bức xúc về tình trạng phí đường bộ tăng quá cao, đặc biệt trên QL5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Việc ồ ạt tăng phí với các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT ngày càng làm doanh nghiệp khó khăn”.
Ông Tiến lấy ví dụ, Công ty TNHH vận tải thương mại Hà Anh do ông làm Giám đốc có khoảng 50 đầu xe container, trước kia phí đường bộ là 160.000 đồng/lượt, nay tăng thành 200.000 đồng/lượt, thì mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ thêm từ 150 - 200 triệu đồng.
Theo ông Tiến, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới được đưa vào khai thác nhưng có những đơn vị vận tải của Hải Phòng “không dám” đi vào tuyến này.
Ông Tiến cho biết lý do: “Một phần vì mức thu phí đường bộ cao hơn rất nhiều so với đi đường QL5 cũ. Thêm nữa là các bến cảng, kho bãi của Hải Phòng nằm ven đường QL5 cũ nên doanh nghiệp chọn hướng đi vào đường cũ vừa tiết kiệm chi phí lại thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Việc tuyến đường cao tốc bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng hiện đại, nhưng lượng các phương tiện giao thông không dám đi là một sự lãng phí rất lớn”.
Đồng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Công ty CP Thương mại và Vận tải Anh Huy cho rằng: “Bất hợp lý nữa là nếu anh đầu tư cao tốc rồi thì anh dành một con đường khác cho người ta đi. Nếu có kinh phí, người ta lên cao tốc đi, còn nếu không thì đi đường cũ. Còn ở đây, một lúc anh tăng phí cả hai đường thì khác gì anh ép người ta để tận thu. Mức phí như thế này thì xe container, xe vận tải chuyên dùng không có xe nào đi lên cao tốc cả”.
Theo ông Hải mức phí 2.000 đồng/km đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng còn đắt hơn cả tiền xăng, dầu thì người dân, doanh nghiệp không chịu được. “Hai con đường cùng tăng như thế thì làm gì còn sự lựa chọn nào nữa” – ông Hải than thở.
Ông Bùi Hoàng Thái – Phó Giám đốc Công ty CP thương mại và dịch vụ Xuyên Việt cũng cho rằng: “Chúng tôi không dám đi vào cao tốc vì giá vé quá cao, nếu phải đi vào tuyến đường này doanh nghiệp xác định chỉ có con đường là hòa và lỗ”.
Ông Thái cũng cho hay doanh nghiệp không thể yêu cầu đơn vị thuê vận chuyển tăng giá với lý do phí đường bộ tăng. Do đó, nếu phí đường bộ tăng doanh nghiệp phải ngậm ngùi chịu lỗ.
Tăng phí để tránh phá sản là độc đoán!
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Nghiêm Thế Anh – Phó Giám đốc TNHH Vận tải Hoàng Long cho hay: “Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp đang tiến hành giảm giá vé vận tải cho hành khách nhưng nay phí đường bộ lại tăng, doanh nghiệp phải tính chuyện không giảm giá”.
Ông Thế Anh cho rằng với 30 đầu xe, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí 100 – 120 triệu đồng, số tiền này không còn cách nào khác là phải tính vào chi phí cho hành khách. Ông Thế Anh cho hay: “Như vậy, suy cho cùng việc tăng phí đường bộ ảnh hưởng lớn nhất là hành khách đi xe”.
Trong khi đó, tại buổi thông báo sẽ áp dụng mức phí mới từ ngày 1.4, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng: “Chúng tôi biết các doanh nghiệp vận tải cũng khó khăn. Một số nhà vận tải nói tăng phí họ sẽ phá sản nhưng nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã phê duyệt thì chúng tôi sẽ phá sản trước”.
Trao đổi về quan điểm trên của chủ đầu tư cao tốc, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho hay: “Ở góc độ là người sử dụng dịch vụ, tôi nghĩ đấy là quan điểm là độc đoán. Bởi anh là người bán hàng thì nên xem xét ở góc độ nhu cầu của người dân để điều tiết cung cầu cho hợp lý. Như bên Thái Lan, khi họ mới mở đường cao tốc họ còn khuyến mãi. Còn ở đây, khi ông mở ra chưa có đủ các công trình phục vụ, dịch vụ chưa hoàn hảo đã áp mức phí cao như vậy. Gần như là ép buộc người ta phải đi vào”.
Đồng loạt tăng phí mạnh QL5 & cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (VTC14)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.