Tăng phụ cấp để khuyến nông viên không phải... ăn cơm cặp lồng

Trần Quang Thứ ba, ngày 04/04/2017 13:35 PM (GMT+7)
Xung quanh thực trạng khuyến nông viên (KNV) cơ sở dù đảm đương khối lượng công việc “khổng lồ” nhưng chế độ đãi ngộ lại kém, không tương xứng với sức lao động bỏ ra, không thu hút được người giỏi tham gia công việc này... phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Trần Văn Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng KNV cơ sở hiện nay ở các địa phương?

- Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 20.000 KNV cơ sở cấp xã, thôn, bản. Trong hệ thống nhân lực làm công tác khuyến nông, đội ngũ KNV cơ sở có vai trò quan trọng đặc biệt. Họ luôn phải sát cánh với nông dân trong hầu hết các hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, sự đầu tư cho các hoạt động khuyến nông tại cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là trong việc đào tạo nâng cao trình độ và chế độ phụ cấp cho đội ngũ này. Có thời điểm mỗi KNV cơ sở và cộng tác viên khuyến nông chỉ nhận được phụ cấp 100.000 – 200.000 đồng/tháng. Với chế độ như thế rất khó có thể giữ chân họ cũng như tạo ra động lực cho đội ngũ này gắn bó, nhiệt huyết lâu dài với nghề.

img

Ông Trần Văn Khởi (thứ 2 từ phải)  cùng đoàn công tác Bộ NNPTNT về thăm quan vùng vải xuất khẩu ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).  Ảnh: Trần Quang

Đối với cấp cơ sở cần tổ chức hay định hướng cho các KNV cơ sở tham gia vào các tổ chức đoàn thể hoặc các hoạt động dịch vụ, kinh doanh để có thêm thu nhập, ổn định đời sống để tiếp tục gắn bó với nghề.

Ông Trần Văn Khởi 

Còn về trình độ KNV cơ sở hiện nay thì sao, thưa ông?

- Hiện nay cán bộ khuyến nông các cấp đã tăng cả về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Tuy nhiên chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở (cấp xã, thôn bản, xóm) còn thấp và không đồng đều do chưa có quy định chung về tiêu chuẩn tuyển chọn và chế độ đãi ngộ.

Cả nước còn khoảng 24% số cán bộ khuyến nông cấp xã chưa đạt trình độ trung cấp chuyên môn và trên 55% cộng tác viên khuyến nông thôn, bản chưa qua đào tạo chuyên môn.

Vậy có nghĩa là lâu nay chúng ta chưa quan tâm đào tạo lực lượng này?

- Đến nay, bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 20% số cán bộ khuyến nông nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, tương đương với 5.600 cán bộ, do vậy nhu cầu đào tạo mới đối với hệ thống khuyến nông sẽ là 5.000 người/năm, chưa kể cán bộ tham gia đào tạo bồi dưỡng cho hệ thống.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, số lượng sinh viên đăng ký vào học ngành khuyến nông tại các trường nông nghiệp ngày càng giảm sút. Theo tôi nguyên nhân cũng vì một phần do hiện nay chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức nên sinh viên không thiết tha với ngành học này. Bên cạnh đó còn có lý do quan niệm của xã hội và một phần do việc quảng bá, giới thiệu về ngành nghề này chưa tốt nên chưa thu hút sự quan tâm của sinh viên.

Tôi đề nghị, đối với các trường nông nghiệp, đặc biệt là bộ môn khuyến nông cần chú trọng đào tạo một số kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng làm việc nhóm, quan sát, trình bày, lắng nghe, đưa và nhận thông tin phản hồi, phân tích thông tin, trực quan hóa thông tin… để cung cấp hành trang hoàn thiện về kiến thức, kỹ năng cho kỹ sư ngành khuyến nông vững tâm phục vụ công tác khuyến nông miền núi, vùng sâu, vùng xa và khuyến nông cho người nghèo.

img

Trung tâm Khuyến nông quốc gia có giải pháp nào, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ KNV cơ sở gắn bó với nghề, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông?

- Ðể nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, đáp ứng yêu cầu mới của nền nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, Trung tâm Khuyến nông quốc gia luôn kịp thời đổi mới các chương trình, dự án khuyến nông T.Ư về cả nội dung và phương thức tổ chức thực hiện sao cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn đối với hệ thống khuyến nông ở từng địa phương. Ðối với những cơ chế, chính sách khuyến nông T.Ư còn bất cập, chúng tôi cũng kịp thời đề xuất, sửa đổi và bổ sung.

img

Cán bộ khuyến nông tỉnh Đăk Lăk hướng dẫn cho bà con kỹ thuật ghép  và ươm giống cây ca cao. Ảnh: Minh Huệ

Trong thời gian tới Trung tâm sẽ phối hợp các đơn vị hữu quan của Bộ NNPTNT tiếp tục nghiên cứu và đề xuất Chính phủ xem xét việc kiện toàn đầu mối thống nhất thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông theo Nghị định 02/2010, có hướng dẫn quy chế tuyển chọn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và cơ chế, chính sách đối với mạng lưới khuyến nông cơ sở. Đặc biệt là đề xuất thêm các chức danh với KNV cơ sở để đội ngũ này có thêm chế độ phụ cấp, từ đó gắn bó, nhiệt huyết với nghề hơn, chấm dứt cảnh cán bộ KNV phải “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” lâu nay...

Ở các địa phương, cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn kinh phí hoạt động, có cơ chế, chính sách phù hợp với từng vùng, nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ KNV cấp xã và cộng tác viên cấp thôn, bản. Bên cạnh đó, tổ chức khuyến nông các cấp cần lựa chọn nội dung phù hợp để hướng nông dân tập trung vào những lĩnh vực sản xuất có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng, miền; tránh làm theo phong trào, phát triển sản xuất hàng hóa phải gắn với thị trường, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem