Việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng tăng. Ảnh: HTD
Tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu tăng lên rất nhiều. Điều này đồng nghĩa người dân phải móc thêm tiền mua xăng dầu.
Thiếu thuyết phục
Sau ý kiến của “Bộ Tài chính: Giá xăng còn rẻ nên phải tăng thuế” nêu quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng giá xăng Việt Nam (VN) thấp so với các nước. Đây cũng là một trong những lý do chính để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và người dân không đồng tình với quan điểm trên của Bộ Tài chính.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cho rằng Bộ Tài chính đưa ra lý do như trên là thiếu thuyết phục và đang cố bảo vệ quan điểm tận thu ngân sách.
“Nhiều bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, người dân đã lên tiếng nên cân nhắc đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu. Đáng tiếc là Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm để lấp lỗ hổng bội chi ngân sách” - ông Long nhận định.
Theo ông Long, việc Bộ Tài chính đưa ra sự so sánh giá xăng ở VN thấp hơn so với các nước khu vực ASEAN để biện minh cho tăng thuế là không hợp lý. Bộ Tài chính so sánh với các nước có giá xăng cao hơn, tại sao lại không so sánh với các nước có giá thấp hơn chẳng hạn như Indonesia, Malaysia…? Đặc biệt, sự so sánh giá cao thấp còn phải xuất phát từ mức thu nhập của từng nước trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của VN thấp hơn rất nhiều nước.
So sánh không chính xác
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, nêu quan điểm: Nếu cho rằng giá xăng cao hơn các nước trong khu vực thì không chính xác. Bởi lẽ giá xăng khi nhập khẩu vào VN đã chịu thuế. Rồi khi đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng xăng còn phải chịu nhiều loại thuế, phí khác.
Vấn đề quan trọng hơn ở đây là cần tách bạch, công khai các thành phần tạo nên giá xăng. Bao nhiêu loại thuế, bao nhiêu loại phí, chiếm tỉ trọng bao nhiêu % trong giá xăng và sẽ được sử dụng tiền tăng thuế nhằm mục đích gì. Nếu công khai, minh bạch được những điều này thì mới thấy được sự hợp lý hay không trong đề xuất tăng biên độ thuế BVMT đối với xăng lên tới 8.000 đồng/lít.
“Ở tầm vĩ mô, có thể nhận xét rằng: Việc đề nghị tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu cho thấy cách điều hành kinh tế hiện nay chỉ nhằm tạo thuận lợi trong quản lý của bộ máy hành chính, chứ chưa thực sự là kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp” - ông Cung nhấn mạnh.
|
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, trong điều kiện hiện nay năng lực cạnh tranh của VN còn thấp, xăng dầu là nguồn đầu vào quan trọng của các lĩnh vực khác, tác động rất lớn đến đời sống xã hội, kinh tế, tiêu dùng… Việc tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng tăng. Điều này sẽ làm chi phí, giá thành các mặt hàng khác tăng lên làm giảm sức cạnh tranh.
“Do đó, đáng ra cơ quan quản lý nên tìm biện pháp khoan sức dân để tạo ra nguồn thu thay vì tận thu” - ông Long nêu quan điểm.
Một điều đáng chú ý được ông Long đề cập đến là cách tính thuế, bởi thông thường thuế chỉ tính theo tỉ lệ % và không bao giờ tính bằng con số tuyệt đối. Trong khi mức thuế tối đa 8.000 đồng/lít được Bộ Tài chính đưa ra lại gần bằng với giá nhập khẩu mặt hàng xăng khi về cảng VN.
“Việc Bộ Tài chính cho rằng mức thuế này chỉ là lộ trình dài nhưng bản chất là để chuẩn bị bù đắp những khoản thâm hụt ngân sách. Chưa có một nước nào đánh thuế BVMT với xăng dầu lớn như VN. Tỉ lệ thuế xăng dầu so với tỉ lệ thu nhập bình quân đầu người rất cao. Một chủ trương mà nhận phản ứng từ dư luận thì nên xem lại” - ông Long thẳng thắn.
Túi tiền người dân sẽ ra sao?
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng mức thuế xăng dầu theo đề xuất của Bộ Tài chính quá cao. Như vậy sẽ khiến giá xăng bị đẩy lên khiến chi phí vận tải, hàng hóa, chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp tăng lên.
Theo ông Doanh, trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn, bội chi cao, nợ công nhiều nên việc đánh thuế BVMT là phương án dễ nhất. Tuy nhiên, điều này có thể tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa nên cần thận trọng.
“Trước đây, khi đề xuất tăng thuế BVMT từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít xăng và giảm thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính cho rằng sẽ không làm tăng giá xăng nhưng thực tế lại trái ngược. Bây giờ, nếu tiếp tục điều chỉnh thuế BVMT lên nữa thì túi tiền người dân sẽ ra sao? Hãy thương người dân!” - ông Doanh nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cũng cho rằng khung thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra là quá nhiều. Vị này đề xuất khung thuế tối đa nên ở mức 5.000 đồng/lít chứ không phải 8.000 đồng/lít như Bộ Tài chính đề xuất. Bởi thuế, phí đang chiếm khoảng 50% giá cơ sở xăng dầu. Việc nâng khung thuế quá cao có thể dẫn đến giá xăng dầu tăng mạnh, dễ gây sốc cho nền kinh tế.
Tăng thuế, cháu bé nhà tôi phải uống ít sữa hơn
Trước đề xuất tăng khung thuế BVMT với xăng dầu lên mức tối đa 8.000 đồng/lít, bạn đọc Đỗ Tiến Sỹ nói: "Đừng so nước ta với thế giới mà trước hết hãy so điều kiện sống và thu nhập nước ta với các nước. Theo tôi được biết, chi phí cho việc đi lại (tiền xăng, vé tàu xe) của một số nước trên thế giới chỉ bằng khoảng 1,5% thu nhập thôi. Còn nước ta thì sao? Tôi đi lại một tháng, riêng tiền xăng hiện nay hết khoảng 600.000-700.000 đồng, bằng trên 10% thu nhập trong khi nước ta còn rất nghèo.
Do đó, nếu tăng thuế môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng/lít thì cháu bé nhà tôi lại phải uống ít sữa hơn. Các bác cán bộ đừng có “tranh nhau” uống sữa của con chúng tôi nữa. Các cháu đã còi, còm cõi lắm rồi! Các bác cán bộ đừng chỉ lo ngân sách thất thu. Hãy quan tâm đến việc làm sao đời sống của nhân dân được nâng lên, dân có giàu thì nước mới mạnh".
Một số bạn đọc khác đặt câu hỏi: “Khi đề xuất tăng thuế xăng, Bộ Tài chính có biết người dân sống cơ cực như thế nào không? Xin hãy nghĩ về người dân!”. Hơn nữa, lâu nay cho dù giá xăng dầu thế giới giảm sâu, từ lúc hơn 100 USD/thùng xuống còn khoảng 40 USD/thùng nhưng người dân Việt có mấy khi được hưởng lợi đâu. Thế nhưng nay giá dầu giảm thì lại tăng thuế để tận thu.
|
Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.