Tăng trưởng GRDP của TP.HCM thấp, đâu là nguyên nhân?

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 02/04/2023 16:22 PM (GMT+7)
Theo HoREA, kết quả tăng trưởng GRDP thấp của TP.HCM có thể nhận định do kết quả giải ngân đầu tư công trong quý 1/2023 chỉ đạt 2% không đáng kể. Kế đến là do sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất.
Bình luận 0

Trong kiến nghị mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tiếp tục đề xuất các giải pháp cấp bách để tháo gỡ ngay khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Sớm gỡ khó cho 156 dự án, TP.HCM có thêm hàng chục nghìn tỷ tiền thuế

Theo Chủ tịch HoREA, GRDP của TP.HCM quý 1/2023 chỉ tăng 0,7% so với quý 1/2022, đứng cuối trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tăng trưởng GRDP thấp nhất. Trong đó, kinh doanh bất động sản sụt giảm 16,2% lớn nhất, kéo theo ngành xây dựng sụt giảm 17%.

"Kết quả tăng trưởng GRDP thấp của TP.HCM có thể nhận định do kết quả giải ngân đầu tư công trong quý 1 chỉ đạt 2% không đáng kể, mà đầu tư công là một động lực dẫn dắt nền kinh tế. Kế đến là do sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất", ông Châu nhận định.

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM thấp, ngoài đầu tư công giảm thì "tội đồ" lớn nhất là gì? - Ảnh 1.

Sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản khiến tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý 1/2023 khá thấp. Ảnh: Phudong Group

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tháo gỡ "cơ chế" là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn và để làm được điều này thì phải xây dựng được luật chuẩn, chỉnh mà trước hết là phải xây dựng được "dự thảo luật có chất lượng tốt nhất".

"Hiệp hội nhận thấy trong 6 năm qua, việc thực hiện khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa bảo đảm tính công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp, bởi lẽ "chỉ có lợi" cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu có tài sản thế chấp là dự án bất động sản và "chỉ có lợi" cho các doanh nghiệp đã gây ra "khoản nợ xấu" này (chỉ là thiểu số doanh nghiệp).

Càng đáng lưu ý là cơ chế, chính sách "thí điểm" về chuyển nhượng dự án cho "thiểu số" doanh nghiệp này, nhưng lại không cho phép áp dụng cho "đa số" doanh nghiệp bất động sản "khỏe mạnh", bình thường khác (?!)", ông Lê Hoàng Châu, nói.

"Thế nhưng, đáng lo là hiện nay vẫn còn có một số quy định của các dự thảo luật"chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hoặc còn bất cập, chưa sát với thực tế cuộc sống. Nên thà ban hành luật chậm một chút để có luật chuẩn, chỉnh, còn hơn là ban hành luật lại "bất cập, không khả thi" thì sẽ làm cản trở sự phát triển", ông Châu nhận định.

Lấy dẫn chứng, ông Châu cho hay, chỉ tính 156 dự án xét bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp chủ đầu tư tại TP.HCM đang bị ách tắc, nếu bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng.

Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì Nhà nước có thể thu thuế GTGT 10% được 31.200 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…

Kiến nghị "thí điểm" chuyển nhượng dự án BĐS theo Nghị quyết số 42/2017/QH14

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, HoREA đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án bất động sản theo thỏa thuận theo cơ chế thí điểm quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội để tháo gỡ ngay khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Đặc biệt, giải pháp này còn tạo điều kiện cho chính các doanh nghiệp bất động sản tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản để tạo được "dòng tiền và thanh khoản".

"Đây là giải pháp do các doanh nghiệp tự thỏa thuận thực hiện ngoài thị trường vốn (thị trường trái phiếu) và thị trường tín dụng nên không tạo thêm gánh nặng cho các tổ chức tín dụng", ông Châu khẳng định.

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM thấp, ngoài đầu tư công giảm thì "tội đồ" lớn nhất là gì? - Ảnh 3.

Theo HoREA, tháo gỡ "cơ chế" là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn. Ảnh: Phudong Group

Cụ thể, Chủ tịch HoREA dẫn chứng rằng, nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42 thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn.

"Giải pháp này còn hỗ trợ các trái chủ và tạo điều kiện phát triển thông thoáng thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A), vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020", ông Châu nói thêm.

Chưa kể, việc cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án theo thỏa thuận, theo nhu cầu thì Nhà nước vừa thu được thuế, vừa tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Đặc biệt, giải pháp này cũng tăng tính minh bạch, khắc phục được tình trạng chuyển nhượng dự án "chui" nấp dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần dẫn đến thay đổi cổ đông, thay đổi chủ doanh nghiệp mà thực chất là chuyển nhượng dự án có thể làm thất thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị xây dựng, hoàn thiện lại nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó bổ sung thêm quy định: "Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này".

Để TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, Cục Thống kê TP.HCM đề nghị thành phố tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai. Đồng thời, giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trước mắt, TP.HCM cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng như dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, song song với đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào TP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem