Tăng trưởng xanh Việt Nam gặp thách thức khi 80% doanh nghiệp FDI đang dùng công nghệ lạc hậu?

An Linh Thứ năm, ngày 27/04/2023 13:17 PM (GMT+7)
Được xem là khu vực có năng lực sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, song vẫn còn gần 80% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dùng công nghệ lạc hậu. Đây là thách thức cực lớn, nỗi lo cho Việt Nam khi hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải về 0% năm 2050.
Bình luận 0

Chỉ 5% doanh nghiệp FDI dùng công nghệ cao

Tại tọa đàm: "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4, nhiều chuyên gia, học giả tại Việt Nam đánh giá quá trình chủ động chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, bền vững của khu vực FDI là có những tích cực, đột phá, đặc biệt là các tập đoàn lớn, doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, Nestlé, Intel…

Tuy nhiên, do là nước có trình độ phát triển thấp, công nghệ lạc hậu, nên nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ còn rất vất vả để chuyển đổi từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh", từ thâm dụng lao động giản đơn, năng suất thấp, hấp thụ vốn cao sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững và năng suất cao. Thách thức lớn đang chờ phía trước cho dù Việt Nam có những cam kết rất táo bạo về tăng trưởng xanh, có mục tiêu, lộ trình cam kết với quốc tế đến năm 2050 cắt giảm khí thải 0%.

Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi 80% doanh nghiệp FDI dùng công nghệ lạc hậu? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự toạ đàm (Ảnh VGP).

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Hiện nay, đối với các quốc gia phát triển họ đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh và họ đạt được thành công, đây là kinh nghiệm của các nước đi sau như Việt Nam học hỏi và thực hiện. 

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, đặc điểm thường thấy là các quốc gia tăng trưởng xanh nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể họ đáp ứng được. Ví như trình độ phát triển, nguồn lực tự nhiên (gió, mặt trời, con người) đầy đủ. Còn Việt Nam, lại thiếu một trong các điều kiện này, phải đi tắt, đón đầu. Vì vậy, vấn đề này đặt ra là Việt Nam cũng phải xét theo bối cảnh này để ứng dụng lộ trình, bước đi thích hợp cho mình, chứ không thể dập khuôn theo các nước khác.

Đại diện VAFIE cho biết, dù Việt Nam đã cam kết rất nhiều về tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ về hợp tác xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; gia nhập nhiều hiệp định, hiệp ước và hợp tác và mới nhất là chiến lược giảm phát thải về 0% vào năm 2050… Nhưng, từ chính sách đến thực tiễn còn một khoảng cách rất lớn.

"Chúng ta còn khoảng cách rất xa chính sách, quyết tâm và thực hiện. Nhà nước có quyết tâm lớn, nhưng thực hiện chưa quyết liệt trong ngắn hạn chứ không nói đến dài hạn. Thủ tướng có cam kết năm 2050 rồi nhưng lộ trình năm 2030, 2040 như thế nào thì chưa rõ ràng", ông Toàn nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), dù FDI có hình mẫu phát triển xanh, nhưng hiện nay tỷ lệ công nghệ cao của doanh nghiệp FDI vẫn thấp, chỉ có 5% DN FDI sử dụng là công nghệ cao, 15% DN sử dụng công nghệ ở mức trung bình và 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu. 

Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi 80% doanh nghiệp FDI dùng công nghệ lạc hậu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (Ảnh: VGP)

"Trong 3-4 năm gần đây, chúng ta thay đổi song tỷ lệ này thay đổi không đáng kể", ông Toàn nói.

Đang có cuộc đua ngầm về tăng trưởng xanh giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết: Tăng trưởng xanh là mục tiêu rất khó nhưng không thể thay đổi mục tiêu này bởi nó là xu hướng vận động và hiệu quả toàn diện của phát triển. 

"Tại Việt Nam, nhận thức vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không phải tới COP 26, Chính phủ mới có cam kết mạnh mẽ năm 2050 đưa phát thải ròng về 0% mà ngay trong Nghị quyết 50 về thu hút FDI chọn lọc, Đảng, nhà nước đã chỉ rõ phải thu hút dự án có chất lượng, công nghệ cao, có tính lan toả và bền vững", đại diện Bộ KH&ĐT nhận xét.

Theo ông Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh. 

Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi 80% doanh nghiệp FDI dùng công nghệ lạc hậu? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT (Ảnh: VGP)

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: Nếu so sánh, nhận thức cần thiết theo đuổi phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hiện nay với trước đây, thì ở Việt Nam nhận thức và hành động đã phát triển rất nhiều.

"Trước các cam kết giảm phát thải ròng của Chính phủ về 0% năm 2050 và các kế hoạch, lộ trình được vạch ra, các DN, hiệp hội, ngành hàng cũng phải thay đổi cách thức đầu tư và chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI cũng vậy, họ phải thay đổi cách thức sử dụng công nghệ và công thức tạo giá trị thặng dư thay vì máy móc, công nghệ cũ phải dùng loại mới. Nếu Việt Nam không cam kết tăng trưởng xanh, đặt tiêu chuẩn cao và phấn đấu phát thải 0% vào năm 2050, các doanh nghiệp sẽ đổ xô mua công nghệ lạc hậu", ông Vinh nói.

Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi 80% doanh nghiệp FDI dùng công nghệ lạc hậu? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Ảnh: VGP)

Theo chuyên gia Quang Vinh, thách thức lớn cho tăng trưởng xanh, bền vững là nguồn lực tài chính xanh, con người. Chính vì vậy, Việt Nam muốn huy động được nước ngoài tham gia quá trình này thì phải có chiến lược, quy định thế nào để đáp ứng được khoản đầu tư xanh. 

"Cuộc đua tăng trưởng xanh đang âm ỉ, kéo dài 2-3 thập kỷ của nhiều nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, sau khi họ trả giá tăng trưởng bằng mọi giá thì họ đã đầu tư vào công nghệ xanh, tài chính xanh và gặt hái được nhiều hiệu quả kinh ngạc. Đây là vấn đề Việt Nam cần học tập và gia nhập cuộc đua này", ông Vinh nói.

Theo đại diện VCCI, ngày nay, trong bối cảnh khó lường mà chúng ta không đoán định được trước, việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh của chúng ta càng khó khăn hơn, nhất là chúng ta không phải nước giàu, chỉ là một nước đang phát triển. 

"Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh này, để định vị lại giá trị của mình, không chỉ là vai trò mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh", ông Vinh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem