Kết nối sân bay Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải: Đột phá phát triển kinh tế

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 24/11/2022 19:51 PM (GMT+7)
Sân bay Long Thành và cảng biển Cái Mép – Thị Vải được đánh giá là 2 cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam bộ và càng phát huy sức mạnh, giúp tăng trưởng kinh tế vùng khi được kết nối với nhau.
Bình luận 0

Nâng tầm 2 cực tăng trưởng "siêu sân bay" và "siêu cảng"

Sân bay Long Thành và cảng biển Cái Mép – Thị Vải thuộc khu vực Đông Nam bộ. 2 “siêu dự án” này được xác định là 2 cực tăng trưởng kinh tế mới, hứa hẹn mang đến sự đột phá về phát triển kinh tế xã hội của vùng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 1.

Tăng tốc trên đại công trường xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Nha Mẫn

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ GTVT ông Nguyễn Hồng Lĩnh Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói rằng sắp tới mọi hoạt động kinh tế của Vùng Đông Nam bộ có thể sẽ chuyển hướng về huyện Long Thành và khu vực Cái Mép - Thị Vải (thuộc hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó sân bay Long Thành, Cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là 2 cực tăng trưởng mới của vùng.

Cụ thể, sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025. Sân bay có thiết kế công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách cùng 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm ở giai đoạn 1 và 100 triệu lượt hành khách cùng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành cả giai đoạn 2. 

Các địa phương đều kỳ vọng, sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 2.

Dự án sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Ảnh: Nha Mẫn

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. 

Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm, giúp phát triển kinh tế vùng, khu vực.

Về tiến độ xây dựng “siêu sân bay”, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV cho biết hiện nay các nhà thầu đã đồng loạt triển khai nhiều gói thầu của dự án. Trong đó, gói thầu cọc móng nhà ga hành khách đã hoàn thành thi công. 

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 3.

Quốc lộ 51 hiện hữu đã quá tải. Ảnh: Nha Mẫn

Các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc để tiếp tục thi công gói thầu thoát nước và san nền. Mới đây vào ngày 23/11, đã đóng thầu gói thầu xây dựng phần thân và thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Dự kiến, vào đầu năm 2023, gói thầu và các gói thầu khu bay sẽ đồng loạt khởi công. 

“Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã bàn giao khoảng 97% diện tích mặt bằng giai đoạn 1 của dự án. Tuy nhiên, trong khu vực này hiện còn khoảng 100 hộ dân chưa di dời bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân do các hộ dân này chưa đồng tình với giá bồi thường, một số hộ khác đang chờ bố trí tái định cư và sang nhượng đất giấy tay. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án”, ông Bình nói.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, địa phương là cửa ngõ của các tỉnh phía Nam, nằm trong tứ giác kinh tế Đông Nam bộ nên có lợi thế phát triển. 

“Thời gian tới, đường vành đai 4 - TP.HCM sẽ được đầu tư xây dựng. Đây là tuyến đường đi từ tỉnh Long An qua TP.HCM, tỉnh Bình Dương đến sân bay Long Thành và kéo dài về Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Do đó, sẽ thúc đẩy cho việc xuất - nhập hàng hóa, động lực tăng trưởng cũng vì vậy sẽ được hút về sân bay Long Thành và Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. 

Song song với đó, sắp tới đây, bên cạnh sân bay Long Thành, Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, năm 2024, Đồng Nai sẽ có thêm cảng biển Phước An. Sự xuất hiện của những yếu tố mới này sẽ góp phần tạo lập và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều thuận lợi trong việc xuất - nhập khẩu hàng hóa, ngân sách tỉnh cũng sẽ có thêm những nguồn thu lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là một trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Đây sẽ là cụm cảng có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 5.

Siêu cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Nha Mẫn

Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. 

Cảng cũng đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam. Trên thực tế hiện nay cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa phát huy được hết giá trị, lợi thế.

Do đó, để đạt được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành động lực để phát triển của cả vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa sân bay và cảng biển đang là vấn đề được quan tâm. 

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 12/2021 đã làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu và nhấn mạnh về vai trò của logistics. Ảnh: Nha Mẫn

Bởi trên thực tế, tuyến đường kết nối chính hiện nay là QL51 đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó cả hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang chờ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (đã được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3) chính thức khởi công xây dựng. Khi cao tốc này đi vào hoạt động sẽ giảm bớt gánh nặng cho QL51 và giúp kết nối siêu sân bay và siêu cảng.

Kỳ vọng đột phá về hệ thống giao thông kết nối cảng biển

Tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định rất nhiều đối tác quan tâm đặc biệt đến logistics. Vì vậy, theo Thủ tướng, Bà Rịa-Vũng Tàu phải phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tập trung vào dịch vụ này.

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 7.

Kỳ vọng lớn vào kết nối cảng biển, sân bay trong tương lai. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó muốn phát triển logistics thì cần phải phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực, với các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian tới địa phương sẽ tập trung phát triển  các trung tâm  logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển các trung tâm  logistics phục  vụ trung chuyển hàng hóa giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển. 

Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển khu mậu dịch tự do Cái Mép - Thị Vải để tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về Cái Mép - Thị Vải; thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng nhằm kết hợp vận tải đa phương thức.

Tạo đà kết nối “siêu sân bay” Long Thành và “siêu cảng” Cái Mép - Thị Vải - Ảnh 8.

Một góc Đông Nam bộ. Ảnh: Nha Mẫn

Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

Tương tự ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT, nói rằng thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục huy động tất cả nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển để tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng. 

Đẩy nhanh thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An nhằm kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành để kết nối với phía Nam TP.HCM và khu vực Tây Nam bộ. 

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh để kết nối khu cảng Cái Mép - Thị Vải với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu vực công nghiệp, đô thị của 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. 

Tập trung đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để phát triển vận tải đa phương thức và kết nối với mạng lưới đường sắt của quốc gia và đường sắt xuyên Á.

Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Bộ GTVT thúc đẩy tiến độ dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo để phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; phối hợp nhà đầu tư xây dựng sân bay Hồ Tràm và thực hiện di dời sân bay Vũng Tàu qua khu vực Gò Găng để phát triển khu vực đô thị Vũng Tàu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem