Đa dạng giống lúa chịu hạn, mặn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL năm 2018 khoảng 1,6-1,7 triệu ha/vụ. Trong 10 giống được gieo trồng phổ biến nhất ở khu vực này thì các giống do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo có 7 giống, với tổng diện tích gieo trồng chiếm khoảng gần 50% diện tích gieo trồng của toàn vùng. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực gồm: OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218, IR50404...; nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản: Jasmine 85, VD20, ST5, RVT, Nàng hoa 9, nếp IR4625, nếp bè...
Đặc biệt, các nhà khoa học đã chọn tạo được một số giống lúa chịu mặn như OM6976, OM5451, OM9921, OM5621, OM6677, ST5... Những giống này chịu được mặn ở mức độ trung bình – khá (từ 2-3‰); các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn (khoảng 4‰) là Một bụi đỏ, OM2517, OM9577, OM5464...
Các giống lúa chịu hạn có khả năng chịu điều kiện khô hạn từ cấp 1- cấp 3 (ở giai đoạn mạ và giai đoạn trổ), năng suất cao, phẩm chất gạo tốt (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) và còn có khả năng chịu phèn mặn tốt gồm: OM7347, OM5464, OM6162, OM7398, OM7364, OM8928 và OM6677.
Bên cạnh đó còn có các giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng, có hàm lượng sắt trong hạt gạo cao góp phần cải thiện dinh dưỡng, đặc biệt cho nhóm người nghèo dùng gạo là nguồn thực phẩm chính: OM6976, OM5451, OM5472, OM3995, OM6561.
Một ruộng lúa vừa thu hoạch xong được người dân chuyển sang nuôi tôm khi nước mặn xâm nhập. (ảnh: internet)
Đối với chương trình nghiên cứu chọn tạo cây ăn quả, các nhà khoa học đã tuyển chọn và giới thiệu được một số giống cây ăn quả chủ lực cho vùng ĐBSCL như sau: 4 giống măng cụt BDMC2, BTMC3, BTMC4, BTMC6; sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép S1BL; cam mật không hạt; giống bưởi đường lá cam ít hạt Long Định 4; giống cam sành không hạt Long Định 6; thanh long ruột đỏ Long Định 1; giống thanh long có thịt quả màu tím hồng Long Định 5; dứa Cayenne Long Định 2 cùng với hàng trăm cây đầu dòng chôm chôm Rông Riêng, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép - S1BL; sầu riêng Ri-6 - S2VL; sầu riêng - SĐN46 H; mít - MĐN06H, MĐN09H, MBRVT32H...
Các gốc ghép chống chịu mặn, phèn, úng, hạn cũng được giới thiệu để phát triển cây ăn quả ở những vùng khó khăn như gốc ghép bưởi bòng (Citrus sp), bưởi đường hồng (Citrus grandis); sảnh (Citrus nobillis) chịu mặn, chịu ngập tốt, chịu phèn và hạn ở mức trung bình, gốc ghép bưởi bòng (Citrus sp), Bưởi đỏ và bưởi lông cổ cò chịu bệnh thối rễ tốt, vì vậy mở rộng vùng sản xuất sang các vùng nước lợ ven biển. Hiện nay, giống vịt chịu mặn đang được nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất. Năm 2018 đã chuyển giao khoảng 1 triệu con giống vịt chịu mặn cho các tỉnh ven biển phục vụ chăn nuôi trong điều kiện bất lợi.
Biến thách thức thành lợi thế
ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, chiếm 63–73% tổng diện tích nuôi trồng của cả nước. Đặc thù sản xuất của vùng đã đặt ra những thách thức và yêu cầu trong việc nghiên cứu, chọn tạo các giống thủy sản chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu mặn, hoặc di các giống (rong biển) để phát triển nuôi trồng tại các khu vực chịu ảnh hưởng, nhằm góp phần chủ động cung cấp nguồn giống chất lượng tốt cho nông dân.
Bộ NNPTNT định hướng đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận toàn vùng ĐBSCL đạt trên 75%, năm 2025 đạt 90% và năm 2030 đạt 100%. Đến năm 2030, tại vùng ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000 – 300.000ha, cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1, 2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản. Tăng các nhóm giống lúa chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn. |
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã chọn tạo, công nhận giống cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng thế hệ thứ 2 (PanGI2) và chuyển giao vào sản xuất giống cá tra bố mẹ, nâng cao tăng trưởng trên 20%, có khả năng kháng bệnh. Đã sản xuất và cung cấp giống hậu bị cho các cơ sở sản xuất tại ĐBSCL,...
Nghiên cứu được công nghệ sản xuất giống nhân tạo đối với cá dứa, góp phần đa dạng hóa loài nuôi và khả năng thích nghi với môi trường mặn, lợ hoặc các khu vực xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Hiện Bộ NNPTNT cũng đã đưa ra được quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú, rửa mặn, trồng lúa và lịch mùa vụ cho mô hình canh tác tôm-lúa để đạt được tính bền vững thích ứng với sự thay đổi của khí hậu; đồng thời lựa chọn được các giống lúa thích hợp với mô hình canh tác luân canh tôm sú – lúa...
Theo Bộ NNPTNT, hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL đang thay thế giống lúa kém chất lượng bằng giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu, bệnh, cho năng suất cao, giảm chi phí cho người sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có giống lúa chịu được độ mặn trên 5‰. Với mức độ xâm nhập mặn như hiện nay, việc chỉ sử dụng giống lúa chịu mặn là chưa đủ mà cần kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trổ bông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.