Giới phân tích cho rằng cuộc gặp này sẽ giúp thúc đẩy phát triển mối quan hệ Trung-Mỹ lâu dài, lành mạnh và ổn định.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều nói quan hệ giữa hai nước rất quan trọng và hai nước phải tìm cách làm việc với nhau tốt hơn. Mỹ có một danh sách những mối quan tâm mà họ muốn giải quyết. Trung Quốc cũng vậy và họ muốn nhấn mạnh nhiều hơn về tầm nhìn của Bắc Kinh trong quan hệ hai nước.
Về tầm nhìn đó, hồi đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Thôi Thiên Khải nói rằng hội nghị lần này mang tính cách “chiến lược và lịch sử” để xây dựng một mối quan hệ mới giữa hai cường quốc.
Trung Quốc cảm thấy rằng khi công khai thừa nhận nhau là siêu cường, một bên là siêu cường mới xuất hiện còn bên kia là một siêu cường đã lâu, hai nước có thể tránh được xung đột.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2013/images/2013-06-07/1434766662-762013-thegioi--xi-oba.jpg) |
Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình sẽ bỏ qua những nghi thức cấp cao như bắn đại bác chào mừng. |
Mục đích quan trọng nhất của cuộc gặp là giúp mỗi nhà lãnh đạo có được cảm nhận nghiêm túc về nhau. Giới chuyên gia nhận định, nếu diễn ra tốt đẹp, mỗi người sẽ tự rút ra kết luận: “Tôi chấp nhận ông ấy. Tôi hiểu các ưu tiên hàng đầu, sự lo sợ, các hạn chế về chính trị của ông ấy và cách ông ấy tư duy về những vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng tôi có thể hợp tác với ông ấy". Tất nhiên, cũng có khả năng một hoặc cả hai nhà lãnh đạo sẽ kết luận rằng không thể hiểu hoặc tin tưởng đối tác và mối quan hệ trong tương lai giữa hai nước sẽ phản ánh kết luận đó, khi tương tác cá nhân giữa các nhà lãnh đạo có ý nghĩa rất lớn trong các mối quan hệ cường quốc.
Trong một cuộc trò chuyện điện thoại chúc mừng ông Tập Cận Bình được bầu làm tổng thống vào ngày 14.3, Tổng thống Obama nói rằng Mỹ hy vọng sẽ làm việc với Trung Quốc để xây dựng một mối quan hệ giữa các siêu cường dựa trên cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là một trò chơi chiến lược. Ông Obama nói rằng, phải nhìn về 10 năm hoặc xa hơn nữa để tránh những đối đầu, xung đột giữa các siêu cường cũ và các siêu cường mới.
Ông Tạ Thao - giáo sư tại Trường Nghiên cứu đối ngoại ở Bắc Kinh nhận định, cuộc họp này chú trọng nhiều hơn tới việc phát triển mức độ tin tưởng cá nhân. Ông nói, đây là một cơ hội cho hai bên thấy được họ có thể là bạn với nhau hay không:
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao hội nghị này được diễn ra tại một khung cảnh không chính thức và riêng tư, không giống như một số cuộc họp thượng đỉnh trước đây giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ. Vì thế hy vọng là hai nhà lãnh đạo này sẽ xây dựng được lòng tin cá nhân và lòng tin đó có thể lan sang các lĩnh vực khác. Điều đó sẽ giúp các giới chức cấp thấp hơn, những viên chức hàng ngày phải can dự vào việc xây dựng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Tổng thống Obama đang thực hiện chính sách tái cân bằng đối với châu Á, trong đó đặt Trung Quốc ở vị trí trung tâm trong bất kỳ chiến lược khu vực nào. Tái cân bằng là một chiến lược kinh tế, ngoại giao và quân sự hỗn hợp ở cấp khu vực, nhằm đảm bảo hòa bình và phát triển kinh tế lâu dài ở châu Á với sự tham gia đầy đủ của Mỹ ở cả hai góc độ tạo ra và hưởng lợi từ chiến lược này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không hoàn toàn nghĩ vậy. Với chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ và cách Mỹ can thiệp vào nhiều vấn đề ở châu Á, càng khiến cho Bắc Kinh nghĩ rằng mục tiêu của chiến lược này là chống lại Trung Quốc hay tìm cách làm phức tạp, thậm chí phá vỡ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cuộc gặp lần này là cơ hội quan trọng để ông Obama giải thích rõ hơn chiến lược và mục tiêu của Mỹ.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.