Tập trung mọi nguồn lực cho các xã làm nông thôn mới

Hồng Phong (ghi) Thứ sáu, ngày 02/01/2015 09:00 AM (GMT+7)
Tân Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam - ông Huỳnh Tấn Đức (ảnh) xác định rằng đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một ưu tiên lớn trong công tác của ông.
Bình luận 0

Nhiệm vụ nóng và ưu tiên số 1 hiện nay là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quảng Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ này thế nào?

- Chúng tôi tập trung cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển mạnh nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa. Ưu tiên đẩy nhanh tăng trưởng các lĩnh vực có thế mạnh đã được xác định là thuỷ sản và lâm nghiệp; đẩy mạnh chăn nuôi, nâng tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30% đến trên 35% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp vào năm 2020.

img

Máy móc được đầu tư để phát triển nông nghiệp trên địa bàn.   


Chúng tôi cũng tập trung xây dựng “cánh đồng lớn”, trên cơ sở ổn định diện tích gieo trồng lúa nước 75.000ha/năm; phát triển từ 17.000ha ngô, 15.000ha lạc, 25.000ha cao su (hiện tại diện tích lúa trên 85.000ha, ngô và lạc khoảng 12.000ha mỗi loại). Gắn quy hoạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với việc ưu tiên lĩnh vực sản xuất giống thuỷ sản, chăn nuôi và sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh.

Tiếp theo là tập trung phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại theo cơ chế, chính sách của Trung ương, đến năm 2016 sẽ có 92 tàu thực hiện theo Nghị định 67. Đẩy mạnh cải hoán tàu thuyền nâng cao công suất lớn hơn 90CV, số lượng tàu cá xa bờ là 600 chiếc (công suất ≥ 90CV); tăng số lượng trên 250 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, bình quân mỗi năm 50 chiếc (công suất >300CV/chiếc). Đến năm 2020 phải duy trì mức tổng sản lượng khai thác khoảng 80.000 tấn, tỷ lệ sản lượng khai thác xa bờ chiếm khoảng 60%.

Gần đây, địa bàn miền núi Quảng Nam và vùng giáp ranh giữa Quảng Nam với các tỉnh xuất hiện tình trạng phá rừng. Ông và ngành nông nghiệp có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Đúng là vẫn còn một số vùng lõi, vùng rừng giáp ranh bị lợi dụng khai thác trái phép trong thời gian gần đây, như các huyện Nông Sơn, Phước Sơn, Đông Giang và vùng giáp ranh với TP.Đà Nẵng. Chúng tôi đang tăng cường lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi và xử lý lâm tặc ở những vùng này.

Tuy nhiên để giữ rừng, căn bản nhất theo chúng tôi vẫn là đẩy nhanh tiến độ giao rừng cho dân quản lý và bảo vệ đi đôi với việc nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng miền núi, vùng rừng. Chủ trương này đã thể hiện có hiệu quả trong việc giữ rừng những năm gần đây.

Quan điểm
img
Ông Huỳnh Tấn Đức
  Để giữ rừng, căn bản nhất theo chúng tôi vẫn là đẩy nhanh tiến độ giao rừng cho dân quản lý và bảo vệ đi đôi với việc nâng cao thu nhập cho đồng bào... 
Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ và người dân địa phương trong công tác bảo vệ rừng; nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác các đối tượng tác động vào rừng trái phép. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành rà soát lại quỹ đất giao cho người dân để phát triển sản xuất, nhất là người dân miền núi, tạo sinh kế bền vững. Theo tôi cần phải giao rừng cho người dân làm chủ, phát triển chăn nuôi sản xuất dưới ngay tán rừng đó mới hiệu quả.

 



Quảng Nam là tỉnh có nhiều thành công trong việc xây dựng NTM, ông có thể cho biết tiến độ xây dựng NTM hiện nay thế nào?

- Sau gần 4 năm (2011-2014) thực hiện chương trình, tiêu chí NTM ở các xã trên địa bàn tỉnh được tăng lên đáng kể. Dự kiến đến cuối năm 2014, bình quân chung tiêu chí đạt của 205 xã là 8,21 (toàn quốc: 8,47 tiêu chí/xã), tăng 3,4 tiêu chí/xã so với năm 2010 và có 10 xã hoàn thành tiêu chí xã NTM; dự kiến trên 20% số xã đạt tiêu chí vào năm 2015 (trên 41 xã, tỉnh phấn đấu 50 xã). Nhiệm vụ trọng tâm chính trong thời gian đến là: Tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn, vốn huy động khác để các xã về đích 2015 đạt mục tiêu đề ra. Chú trọng về phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Theo đó, hiện nay các huyện đã phê duyệt 95 đề án phát triển sản xuất; có hơn 200 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, trong đó các mô hình phát triển sản xuất đang được nhân rộng như: Dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất nông sản hàng hoá; mở rộng diện tích xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật… Các HTX nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hiện có khoảng 4.000ha liên kết sản xuất lúa giống. Đây là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem