Tập trung xây dựng nông thôn mới TP.HCM gắn chặt với Chương trình OCOP
TP.HCM tập trung xây dựng nông thôn mới gắn chặt với Chương trình OCOP
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 02/07/2023 08:31 AM (GMT+7)
TP.HCM xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn gắn chặt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). OCOP giúp khơi dậy sản vật địa phương, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ngày hội Nông thôn mới TP.HCM năm 2023 quy tụ 5 huyện ngoại thành, các địa phương còn sản xuất nông nghiệp với nhiều hoạt động đặc sắc đang diễn ra tại Công viên 23/9, quận 1 đến hết ngày 1/7.
Đây là lần đầu tiên Ngày hội Nông thôn mới TP.HCM diễn ra quy mô, ngay trung tâm thành phố để giới thiệu tới người dân, du khách những thành quả trong công tác xây dựng nông thôn mới của TP.HCM.
Đặc sản OCOP hút khách
Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động như không gian triển lãm hình ảnh, video clip, sách báo, tạp chí về nông thôn mới; không gian trưng bày những mô hình nông nghiệp hiện đại, sản phẩm OCOP, hình ảnh xây dựng nông thôn mới tiêu biểu của 5 huyện và thành phố.
Được tổ chức liên tục vào các ngày cuối tuần trong không khí TP.HCM đang đón một lượng khách du lịch lớn vào dịp hè, vì vậy, ngày hội thu hút đông đảo người dân tham quan, vui chơi, giải trí. Hoạt động triển lãm, tái hiện không gian nông thôn mới, đặc biệt là các sản vật của từng huyện khiến nhiều du khách thích thú.
Mời khách tham quan sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hóc Môn, ông Mai Văn Khánh - Giám đốc HTX Rasafood, không quên bày tỏ niềm vui khi giới thiệu cải thìa của HTX vừa được công nhận OCOP 3 sao.
Theo ông, trong xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP rất ý nghĩa, giúp khơi dậy tiềm năng của sản phẩm địa phương, cộng với việc chuẩn chỉnh tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu thị trường sẽ tăng thu nhập cho thành viên HTX.
Ông Cao Đức Tâm - Giám đốc Công ty XNK thực phẩm ABZ (huyện Bình Chánh), sở hữu sản phẩm rượu sâm đinh lăng đạt OCOP 3 sao cho biết, đây là sản phẩm được chế biến theo công thức gia truyền. Nguồn nguyên liệu là cây đinh lăng được trồng tại địa phương. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP thuộc nhóm dược liệu đầu tiên của TP.HCM.
Huyện nông thôn Cần Giờ tái hiện vùng đất duyên hải, nơi duy nhất giáp biển của TP.HCM với nhiều hoạt động như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Nhiều đặc sản của Cần Giờ như xoài cát, mật dừa nước, khô cá dứa, tổ yến chưng… cũng được giới thiệu tới du khách. Hầu hết các sản phẩm này đều đã được công nhận OCOP 3 - 4 sao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân Cần Giờ.
Bà Phạm Thị Minh Dung - đại diện HTX Thủy Sản Tương Lai (huyện Củ Chi) cho biết khô cá sặc lạt là đặc sản của HTX và là đặc sản của Củ Chi. Nhờ sản phẩm này, nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Theo bà Dung, HTX đang tích cực đưa sản phẩm công nhận chuẩn OCOP, mở rộng kênh tiêu thụ, kể cả xuất khẩu để phát triển trong thời gian tới.
OCOP - "đòn bẩy" xây dựng nông thôn mới TP.HCM
UBND TP.HCM mới đây đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn thành phố năm 2023.
Năm 2023, để thực hiện hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn thành phố, UBND TP.HCM yêu cầu triển khai hiệu quả 6 chuyên đề trọng tâm của Chương trình nông thôn mới theo quy định của Trung ương và Thành phố.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) là 1 trong 6 chuyên đề quan trọng được UBND TP.HCM yêu cầu tập trung trong xây dựng nông thôn mới năm 2023.
“Triển khai thành công Chương trình OCOP sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới”, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp đánh giá.
Ông Hiệp cho biết thêm, Chương trình OCOP bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện. Việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng nông thôn TP.HCM.
Song song đó, TP.HCM cũng đang tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn. Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết qua hơn 30 năm Đổi mới, TP.HCM ngày nay không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn nhất cả nước mà còn là vùng trọng điểm về nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện ngành nông nghiệp thành phố hướng tới tạo ra giống vật nuôi, cây trồng có năng suất cao trên diện tích canh tác, nuôi trồng nhỏ nhất, phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.