Tàu hỏa chạy đua với... ô tô

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 05/07/2014 07:04 AM (GMT+7)
Ngành đường sắt đang thay đổi từ những việc nhỏ nhất để thoát khỏi phong cách làm việc bao cấp, lấy lại niềm tin của hành khách. 
Bình luận 0

Không còn một mình một đường

Trong khi giao thông đường bộ, hàng không đã thay đổi rất nhiều thì ngành đường sắt dường như đã “ngủ quên” quá lâu trên tuyến đường dành cho mình. Khách hàng đủ mọi tầng lớp giờ đã có thể ngồi máy bay, thay vì mất đến hơn 30 giờ đồng hồ để di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM. Chính ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ GTVT đã từng phải đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao giá vé đi tàu hỏa cho cùng tuyến Hà Nội – TP.HCM lại đắt gấp đôi so với đi máy bay giá rẻ”.

Bộ GTVT đã phải có động thái thay đổi các vị trí lãnh đạo tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để kỳ vọng đổi mới. Ngay sau đó, tân Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Tá Tùng đã tuyên bố: “Phải thay đổi để tồn tại, để lấy lại niềm tin của hành khách. Chúng tôi không thể yên tâm khi thị phần vận tải đường sắt ngày càng thấp. Trong khi đây vẫn là phương tiện có nhiều yếu tố để người dân lựa chọn”.

Theo ông Tùng, điều quan trọng nhất trước mắt là phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của đường sắt. Ông Tùng khẳng định: “Các phương tiện vận tải khác làm được thì chúng tôi sẽ làm được. Đường sắt sẽ nghiên cứu giá vé linh hoạt để có thể đưa ra mức giá vé thấp hơn ô tô khách cùng chặng”.

Ngành đường sắt không nói suông, ngay sau đó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thông báo giảm giá vé tàu khách Thống Nhất ngay trong đợt cao điểm. Trong khi, cứ đến mùa cao điểm hàng năm, đường sắt gần như không có các chính sách khuyến mãi, trừ các đối tượng chính sách và thí sinh dự thi đại học.

Lần này, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ giảm giá từ 5 – 17% so với giá vé giường nằm tàu khách Thống Nhất từ 5.7 đến 3.9. Hành khách còn được giảm đến 30% giá vé tàu khách Thống Nhất trong thời gian từ 5.8 – 28.8 nếu mua vé trước từ 30 ngày trở lên và cự ly vận chuyển 1.300km trở lên. Đây cũng chính là cung đường được ngành đường sắt xác định đang có sự cạnh tranh rất mạnh của các hãng máy bay giá rẻ.

Chờ sự đổi thay về chất

Những thay đổi về dịch vụ với hành khách đi tàu đang được ngành đường sắt áp dụng, từ những việc nhỏ nhất, trong đó có những việc gần như trong suốt lịch sử chạy tàu, đường sắt Việt Nam chưa thực hiện được như khử mùi toa xe, lắp nhà vệ sinh tự hoại.

Ông Huỳnh Cường – Giám đốc Xí nghiệp Toa xe khách Hà Nội thuộc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội vui mừng thông báo: “Việc thí điểm khử mùi trên toa xe đã thành công. Chúng tôi đã thử nghiệm thực tế trên tàu SE1, SE2 và có đến 95% hành khách thấy hài lòng”. Thậm chí, nhân viên Xí nghiệp Toa xe khách còn thử nghiệm bằng việc đánh đổ nước mắm trong toa xe rồi dùng dung dịch khử mùi, kết quả cũng rất khả quan. Tiếp đó, sau khi được Bộ trưởng Bộ GTVT nhắc nhở về việc các đoàn tàu “xả thải” trực tiếp trên đường, tới đây trên các toa tàu sẽ được lắp nhà vệ sinh tự hoại.

Còn lãnh đạo Ga Hà Nội quả quyết từ giờ đến cuối năm hành khách đến ga sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ khung cảnh cho đến chất lượng dịch vụ. Những thay đổi đang được tiến hành từng ngày, ví dụ trước đây người tàn tật khi đến ga người nhà phải tự đưa vào thì nay đã có nhân viên dùng xe đẩy đưa đến tận toa tàu.

Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá: “Tổng Công ty Đường sắt đã có những chuyển biến tích cực về một số mặt nhưng mới chỉ về cơ học, chưa thực sự thay đổi về chất. Vẫn còn thách thức lớn, đó là nguy cơ tụt hậu ngày một lớn và năng lực cạnh tranh kém so với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác”. Ông Đông yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt phải tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đổi mới chi tiết, thực hiện việc tái cơ cấu theo đúng hướng đã được Bộ GTVT triển khai để có được sự đổi mới thật sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem