Tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới của Liên Xô: Mỹ và phương Tây e sợ

Thứ bảy, ngày 06/03/2021 20:30 PM (GMT+7)
Không những có tốc độ nhanh nhất thế giới, tàu ngầm hạt nhân lớp Lyra của Liên Xô còn sở hữu nhiều tính năng khiến Mỹ và phương Tây e ngại.
Bình luận 0

Trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã chế tạo và đưa vào sử dụng một loại tàu ngầm mà các thông số kỹ thuật của nó đều khiến cả Mỹ và phương Tây phải e ngại và coi đó là mối đe doạ nghiêm trọng.

Tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới của Liên Xô: Mỹ và phương Tây e sợ - Ảnh 1.

Một tàu ngầm lớp Lyra của Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Tàu ngầm lớp Projet 705 Lyra (NATO định danh là Alfa), còn có biệt danh là "Cá vàng", là loại tàu ngầm hạt nhân với chức năng trinh sát - tấn công của Liên Xô, được cục Thiết kế Malakhit ở Saint Petersburg nghiên cứu phát triển từ năm 1960 và bắt đầu đi vào phục vụ từ năm 1971.

Do những yêu cầu tác chiến và chạy đua công nghệ thời Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm Lyra được thiết kế với các tiêu chí khắt khe như tốc độ cao đủ để đuổi theo bất kỳ con tàu nào, khả năng tránh né cơ động để có thể né bất kỳ loại vũ khí chống tàu ngầm nào, khả năng có thể bị phát hiện thấp, khó có thể bị nhìn thấy trên không, cũng như khó bị phát hiện bởi hệ thống sóng âm, thủy thủ đoàn càng ít càng tốt.

Về thiết kế, Lyra có kích thức tương đối khiêm tốn với chiều dài 81,4 m, rộng 9,5 m và cao 6,9 -7,6 m, lượng giãn nước khi nổi là 2.300 tấn, khi chìm là 3.200 tấn. Động cơ chính của tàu là một lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng OK-550 hoặc BM-40A có công suất 155 MW. Ngoài ra trên tàu còn một động cơ tua bin khí dự phòng với công suất 30 MW.

Vỏ tàu được làm bằng hợp kim titanium để giảm khối lượng và độ dày, qua đó giảm thiểu độ ma sát nhằm giúp tàu đạt được tốc độ cao nhất có thể.

Tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới của Liên Xô: Mỹ và phương Tây e sợ - Ảnh 2.

Mô hình tàu ngầm lớp Lyra của Liên Xô. Ảnh: History

Trong các bản báo cáo chính thức của Lầu Năm Góc thì Lyra có thể lặn sâu 800 m, đạt tốc độ khi lặn 79,6 - 83,3 km/h, nhanh hơn bất cứ loại ngư lôi nào thời đó, khiến nó trở nên bất khả xâm phạm trước tàu ngầm cũng như các loại tầu nổi của Mỹ và phương Tây.

Vũ khí chính của Lyra là 6 ống phóng ngư lôi có khả năng sử dụng tên lửa RPK-2 Vyuga (tầm bắn 45 km) hoặc RPK-7 Veter (tầm bắn 120 km) mang đầu đạn hạt nhân. Hai loại tên lửa này được dẫn bắn bằng radar Topol MRK-50 Snoop Tray.

Ngoài ra, tàu còn có 18 ngư lôi 53-65K có tầm bắn 19 km hoặc ngư lôi siêu khoang VA-111 (là loại ngư lôi có vận tốc đến 320 km/h với sự hỗ trợ của radar chủ động/ thụ động Okean) cùng các loại thủy lôi rải.

Khi nhận được các thông tin tình báo về Lyra, hải quân Mỹ và các nước đồng minh đã lập tức báo động và gấp rút khởi động chương trình phát triển ngư lôi tấn công Mark 48, ngư lôi cao tốc Spearfish (có tốc độ lên đến 150 km/h) và tên lửa UUM-125 Sea Lance để đối phó với mối đe dọa thực sự này. Do tốc độ nghiên cứu chậm, những loại vũ khí này chỉ được đưa vào sử dụng vào những năm 1990, khi Lyra đã chính thức "về hưu".

Tuy nhiên, trái ngược với những lo lắng của Mỹ và phương Tây, tàu ngầm Lyra đã gặp rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, điển hình là những khó khăn trong việc duy trì động cơ hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, do được làm bằng vật liệu titanium nên giá thành Lyra rất đắt đỏ khiến nó trở thành gánh nặng trong ngân sách quốc phòng đang có chiều hướng đi xuống của Liên Xô giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh. Sau năm 1989, hải quân Nga ngưng hoạt động và tháo dỡ toàn bộ các tàu ngầm này.


Nguyễn Hoàng (Theo VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem