Gia Tưởng
Thứ hai, ngày 15/06/2020 17:03 PM (GMT+7)
Đã hơn 10 năm theo tàu cá bao chuyến ra ngư trường Hoàng Sa Trường Sa, ngư dân và biển đảo thân thiết với tôi như máu thịt. Có đến n lần tôi phải nghe tin tàu ngư dân của nước ta bị tàu Trung Quốc đâm chìm, bắt nạt. Nhưng ngư dân vẫn không rời bỏ ngư trường. Chắc chắn họ không đơn độc trên biển.
Có lần tôi nói chuyện với anh Nguyễn Tấn Lự chủ tàu QNs95031 thôn Định Tân xã Bình Châu huyện Bình Sơn Quảng Ngãi. Năm 2009 anh là người đã từng bị lính Trung Quốc bắt nhốt tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa suốt 12 ngày. Vợ anh Lự là chị Đỗ Thị Phấn đã phải bấm bụng đi vay 60 nghìn dân dân tệ chuộc chồng về. Gặp anh Lự trong một chuyến biển, anh nói: "Ngư dân miền Trung chúng tôi, không có ruộng, gạo xin từ biển, nhà cũng cất nhờ biển, nuôi con ăn học, dựng vợ, gả chồng, cái chi cũng vay của mẹ biển hết, mà chỉ có vay của biển mới không bị đòi nợ thôi. Nên đôi khi ngư dân phải trả bằng tính mạng của mình thì cũng không có gì hối tiếc hay do dự cả".
Anh bảo, để có ngư trường như Hoàng Sa, hiện nay nhiều đời ngư binh của Lý Sơn, Quảng Ngãi dong buồm đi canh đảo, nhiều người đã phải nằm lại dưới đáy biển. "Vậy nên không bao giờ chúng tôi bỏ biển của cha ông để lại cho mình, dù nghề đi biển có đối mặt như cơm bữa với bão gió, cùng sự rình rập của nước ngoài thì chúng tôi vẫn ra khơi như hàng trăm năm bà con dân biển vẫn làm". Với anh Lự cùng hàng triệu ngư dân, những chuyến xa khơi của họ không chỉ để mưu sinh, mà còn nhiệm vụ bảo vệ ngư trường cho con cháu mai sau.
Lần sát cánh cùng ngư dân trên Hoàng Sa trong sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 năm 2014 tôi vẫn nhớ anh Nghiệp, một thuyền trưởng tàu cá, nói: "Nhà tôi có 3 chiếc tàu đánh cá, đợt này cả 3 anh em tôi đều có mặt trong đoàn đi đấu tranh này luôn, mỗi người làm thuyền trưởng một tàu, bao nhiêu gia sản của nhà được mang đi hết. Vì nếu ngư dân không còn biển nữa thì tàu bè, lưới cụ để làm gi? Mang đi đâu mà đánh bắt cá được? Còn biển là còn nghiệp, mất biển là mất nghiệp".
Những suy nghĩ, việc làm, và cả sự cần mẫn ra khơi của ngư dân nước ta đã hơn tất cả mọi lời nói: Ngoài của cải mà biển đem lại, thì ý thức của người công dân, trách nhiệm với biển đảo, bờ cõi quê hương, lúc nào cũng mặn mòi như hạt muối, như giọt mắm chắt, và không gì có thể lay chuyển được hay làm ngư dân nhụt chí mỗi chuyến ra khơi, dẫu biết ngoài thiên tai còn nhân tai đe dọa.
Trong nhiều năm qua Trung Quốc liên tục gây hấn với những hành động từ tự phát ở cấp nhỏ, đến có hệ thống tính toán đối với ngư dân và vùng biển nước ta. Từ những vụ việc đơn lẻ là tấn công tàu cá, gần nhất như ngày 10/6/2020 tàu cá QNg 98146 do ông Nguyễn Lộc đảo Lý Sơn làm thuyền trưởng đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp đi ngư cụ, dầu máy, cá trong hầm và dùng vũ lực ép thuyền trưởng điểm chỉ vào một số giấy tờ không rõ nội dung.
Có hệ thống hơn là vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát phi pháp trên bãi Tư Chính của nước ta năm 2019 và năm nay tiếp tục đi vào vùng biển Việt Nam. Xa hơn nữa là năm 2014 Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Hoàng Sa. Họ cũng đã bồi đắp phi pháp nhiều đảo ở Trường Sa, quân sự hóa các đảo này, phục vụ cho yêu sách phi pháp đường lưỡi bò đó họ tự vẽ ra trên biển cũng như dã tâm lâu dài độc chiếm Biển Đông mà toàn thế giới đều nhìn thấy rất rõ.
Trung Quốc là nước lớn, là một trong 5 thành viên thường trực của Liên Hợp Quốc. Nhưng những gì họ đang hành động ở Biển Đông, đối với ngư dân Việt Nam lại đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Công ước Luật Biển LHQ năm 1982.
Người Trung Quốc hiện diện trên các đảo ở ngư trường Hoàng Sa là hệ quả của việc họ dùng vũ lực để thụ đắc lãnh thổ một cách bất hợp pháp. Rồi liên tiếp các vụ bắt nạt, quấy rối ngư dân, đâm chìm tàu, bắt nhốt người, tất cả đều là những hành động được tính toán cho âm mưu lâu dài của họ.
Song ngư dân Việt Nam chưa bao giờ rời xa Hoàng Sa Trường Sa. Trên thực tế ngư dân Việt Nam đã và vẫn đang làm chủ hai ngư trường truyền thống này. Chưa bao giờ lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của Việt Nam lại vắng bóng ở các ngư trường này cả. Sự hiện diện kiên gan, cao cả của ngư dân Việt Nam là một trong những bằng chứng sống động nhất cho việc thực thi các quyền chủ quyền của Việt Nam, để khẳng định rõ ràng rằng " Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" không cần bàn cãi.
Trong những năm qua lực lượng kiểm ngư của nước ta đã ra đời. Kiểm ngư luôn hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân ra khơi, cứu hộ cứu nạn trên biển một cách xuất sắc, cùng nhiều lực lượng khác tạo nên những điểm tựa tin cậy vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển.
Không chỉ khai thác nguồn lợi từ kinh tế biển, ngư dân còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc một cách quyết liệt và chính nghĩa, góp công lớn trong nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông và trên thế giới. Đây là sự kết hợp tài tình mà chỉ có quân với dân Việt Nam, có điểm tựa là sự chính nghĩa, mới làm được và được sự ủng hộ của dư luận quốc tế.
Việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam là hành động chưa dừng lại. Chúng ta vẫn kiên trì dùng biện pháp đấu tranh hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân. Đó mới là cách tốt nhất để tránh những hành động đâm lén mà ngư dân đang phải đương đầu trong hàng chục năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.