Tậu trâu ở miền biên ải

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 03/02/2022 14:30 PM (GMT+7)
Không nằm ở mặt đường lớn, nhưng chợ trâu bò xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn vẫn thu hút hàng trăm nông dân, mang bán hàng nghìn con trâu bò mỗi phiên, nhất là những ngày giáp tết thì chợ trâu bò vô cùng tấp nập.
Bình luận 0

Mặc cho dịch Covid-19 hoành hành, mỗi phiên chợ trâu bò vẫn có hàng chục tỷ đồng được giao dịch ở đây.

Nông dân ra chợ

Chị Triệu Thị Rất (37 tuổi người xã Nghiên Loan) cột đôi bò vào cọc tại góc chợ thảnh thơi chia sẻ "mình làm nông dân ở nhà làm ruộng làm nương thôi, nhưng mấy năm nay cũng theo chồng ra chợ để buôn bán trâu bò, giờ thì quen lắm rồi nên chả sợ ế hay thua lỗ gì đâu". Chị Rất kể về hành trình làm lái buôn của mình rất đơn giản, hàng ngày chị đi khắp vùng tìm mua trâu - bò của bà con trong vùng, sau đó mang về nhà cho ăn cỏ, rồi đợi đến ngày phiên chợ thì mang ra bán cho khách đến tìm mua trâu bò thôi. Chị Rất cho biết thêm khách hàng đến chợ cũng phong phú lắm, người đến mua trâu bò về chăn nuôi, lái buôn dưới xuôi lên mua hàng về để giết thịt, rồi nhiều người đóng hàng xuất đi Trung Quốc muôn hình vạn trạng.

xuan/ Tậu trâu ở miền biên ải - Ảnh 1.

Người nông dân dắt bò ra chợ bán. Ảnh: G.T

Với chị Rất, cứ mỗi con trâu bò mà chị buôn bán chỉ cần lãi 200.000 đồng là tốt rồi, cũng có con lãi cả triệu nhưng giờ thì hiếm, vì ai đến Nghiên Loan cũng cầm sát giá lắm, Giờ khó có lãi bất ngờ như trúng số được nữa, chỉ có lãi chút đủ tiền đong gạo, mua thịt , mua rau về nhà cùng chồng con ăn là được rồi. Cứ làm như vậy buôn đầu chợ, bán cuối chợ mà mỗi phiên vợ chồng chị Rất cũng bỏ túi nhiều triệu đồng, còn hôm nào ế không bán được hàng thì đơn giản lắm, lại đưa trâu bò về nhà chăn nuôi, đợi đến phiên sau kiểu gì cũng bán được hết không bao giờ lo bị ế.

Anh nông dân Phùng Văn Lẻng (27 tuổi ở Bảo Lạc, Cao Bằng), là một trong những người mang hàng đến chợ từ khi trời còn mù sương. Anh Lẻng cũng đã có gần chục năm làm khách quen ở chợ Nghiên Loan này rồi. Hôm nay Lẻng mang theo 3 con trâu tơ xuống chợ, mỗi con có giá trên dưới 30 triệu đồng thôi. Lẻng kể đáng nhẽ mọi năm giờ này giá trâu bò đắt lắm rồi, nhưng mấy năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên hàng tết rẻ lắm, vì các mối tay to buôn trâu bò không xuất được đi Trung Quốc. Giá rẻ nhưng lượng hàng tiêu thụ vẫn chậm không được nhộn nhịp như mọi năm khi giáp tết.

xuan/ Tậu trâu ở miền biên ải - Ảnh 2.

Người mua, người bán định giá trâu bò. Ảnh: Gia Tưởng

Lẻng cho biết để đưa trâu từ Bảo Lạc về đây bán, thì mỗi con trâu cũng mất 200k tiền đi xe, may mà vé chợ không bị ai thu cả nên chỉ mất tiền ăn uống. Khác với chị Rất là người tại chỗ, Lẻng đã đưa hàng đi chợ rồi, thì đắt rẻ, bán hòa hay lỗ lãi ra sao, cuối buổi cũng đẩy đi thôi, chứ không thể mang hàng về được nữa.

Xây nhà nghỉ cho trâu

Ăn theo chợ trâu bò, ở Nghiên Loan có nhiều kiểu lắm, phố biến nhất là dịch vụ xây nhà nghỉ cho trâu bò tá túc.

Chị Hoàng Thị Vân (26 tuổi, người chợ Rã, Ba Bể), theo chồng làm giáo viên dạy học, cũng đã lên Nghiên Loan mua đất để làm nhà nghỉ cho trâu được gần 2 năm nay. Vân cho biết từ ngày mở dịch vụ nghỉ cho trâu cũng khá đông khách, vì trâu ở xa về nếu nông dân không bán được thì đưa vào chỗ nhà của Vân để gửi. Ở đây trâu bò được chăm sóc đầy đủ nước uống thức ăn, cỏ tươi, rơm cám đầy đủ, đảm bảo trâu không ốm, không gầy sút cân, để phiên chợ sau người ta lại dắt trâu, bò ra chợ bán tiếp được.

xuan/ Tậu trâu ở miền biên ải - Ảnh 3.

Dịch vụ nhà nghỉ chăm sóc trâu bò. Ảnh: G.T

Bình thường mỗi ngày trâu, bò đi nhà nghỉ chủ hàng mất phí 50.000 một ngày đêm, còn nếu gửi nhiều thì có giá 40.000 thôi. Ai tin tưởng thì có thể giao trâu bò để chủ nhà nghỉ ở đây bán hộ, cứ bán xong dù không có mặt chủ ở đây thì phiên chợ ra gặp là lấy tiền, không sợ lo bị lừa đảo hay ăn chặn gì cả. Hiện tại nhà nghỉ của Vân có thể lưu trú được 60 trâu bò mỗi ngày đêm, đảm bảo ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè, trâu bò gửi mà ốm, hay chết thì chủ nhà nghỉ phải đền tùy theo tình hình thực tế.

Xung quanh chợ Nghiên Loan hiện nay cũng có nhiều cơ sở mở dịch vụ làm nhà nghỉ cho trâu bò tá túc để đợi phiên giao dịch tiếp theo. Và bà con ở đây đều làm ăn với nhau giữ chữ tín rất cao. Khách gửi trâu sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chị Vân chia sẻ thêm, có nhưng hôm nhà nghỉ đón những con trâu chọi, cô phải ngủ ngay cửa ra vào. Lý do bởi vì những con chọi thường hay phá chuồng dùng sừng cắt đứt dây buộc để xổng đi mất, trâu chọi lại có giá cao hàng trăm triệu, ngủ cũng phấp phỏng để canh trâu, nếu không mất hàng của khách phải bắt đền thì sạt nghiệp.

Nói về chợ trâu bò của nông dân ở Nghiên Loan, ông Nguyễn Đình Điệp - Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm chia sẻ: Chợ họp vào ngày 2 và ngày 7, cứ 5 hôm 1 phiên và diễn ra quanh năm. Vào dịp tết thì mỗi phiên giao dịch lên tới hơn 2.000 con trâu bò, không chỉ của nông dân trong vùng, mà nhiều năm nay các địa phương khác như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An cũng đưa trâu bò tới đây mua bán. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem