Tổ chức lại sản xuất
Sau lễ cầu ngư được tổ chức chu đáo, ngư dân trên địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành) hồ hởi vươn khơi sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa. Đây là ngư trường trọng điểm của nghề khai thác hải sản chủ lực toàn tỉnh là lưới vây. “Chúng tôi muốn ra khơi sớm hơn nhưng phải qua rằm mới xuất bến được vì nghề này phụ thuộc vào ánh sáng, hễ có trăng là không dẫn dụ được cá. Chúng tôi mua 1.200 cây đá, 10 tấn dầu cùng rất nhiều lương thực, thực phẩm, gas, nước uống. Phí tổn cho chuyến biển dự định sản xuất trong vòng 15 ngày tốn tổng cộng 120 triệu đồng, hy vọng chuyến biển thành công” - ngư dân Huỳnh Văn Bính (thôn Trung Toàn, Tam Quang - chủ tàu cá QNa-91069) cho biết. Thuyền trưởng Bính đứng ở mũi tàu đốc thúc 15 ngư dân trẻ tuổi đi “bạn” thu xếp hành lý, chào tạm biệt người thân rồi nhổ neo. Con tàu QNa-91069 dần dần tăng tốc cùng 10 tàu cá khác trong tổ đoàn kết nối đuôi nhau hướng ra biển khơi.
Đội tàu vỏ thép của huyện Núi Thành vươn khơi. Ảnh: N.Q.V
Cũng tại xã Tam Quang, các ngư dân theo nghề chụp mực đã đồng loạt vươn khơi, bám biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Đặc biệt, một số tàu vỏ thép của ngư dân Tam Quang lần đầu đi chụp mực ở ngư trường Hoàng Sa đã “bắt tay” với các tàu cùng loại, cùng nghề của ngư dân xã Tam Giang, tạo thành “hạm đội” tàu vỏ thép hiện diện sản xuất ở ngư trường truyền thống. Theo ông Huỳnh Văn Định - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, trong năm 2016, một số tàu cá của ngư dân trên địa bàn đã bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tấn công, phá hoại phương tiện nên địa phương khuyến cáo ngư dân cần đoàn kết, hợp sức vươn khơi. Việc này sẽ giảm thiểu áp lực khi tàu Trung Quốc manh động, ngang ngược chèn ép ngư dân. Phát huy mô hình đoàn kết cũng sẽ giúp ngư dân hỗ trợ lẫn nhau khi không may bị nạn cũng như trao đổi giá bán, ổn định đầu ra hải sản.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Núi Thành, chủ trương tổ chức lại sản xuất nghề cá của huyện theo đề án phát triển thủy sản đến năm 2020 chính thức bắt đầu từ thời điểm này. Điểm nhấn sẽ là phát huy mô hình đoàn kết bám biển của ngư dân. Ngoài ra, huyện đặt mục tiêu tăng đội tàu sản xuất xa bờ bằng các giải pháp như giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu lớn, hoạt động trên các vùng biển xa. Ngư dân theo các nghề lưới vây, chụp mực sẽ được huyện khuyến khích phát triển. Các nghề giã cào sẽ được hạn chế bằng cách không cấp giấy phép hoạt động. Một bộ phận lớn ngư dân theo các nghề sản xuất ven bờ sẽ được tạo điều kiện chuyển nghề sang các lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch. Ngân sách của huyện để tổ chức lại nghề cá từ nay đến năm 2020 là 386 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả
Hiện công trình khu hậu cần nghề cá Tam Quang được các nhà thầu, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự án trọng điểm này khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực lớn cho phát triển nghề cá của huyện Núi Thành nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, cảng cá loại 1 kết hợp với đầy đủ các loại hình dịch vụ cũng như kết nối với khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang) là điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất nghề cá. Với việc sử dụng tàu vỏ thép, năng lực sản xuất của ngư dân đã được tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Sản lượng khai thác và bảo quản hải sản được nâng cao cộng với đầu ra ổn định khi khu hậu cần nghề cá đi vào hoạt động sẽ giúp tăng giá trị sản xuất nghề cá.
Theo UBND huyện Núi Thành, địa phương sẽ quản lý tốt các dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá cây, vật tư ngư cụ, lương thực, thực phẩm cũng như các nhu yếu phẩm khác và sửa chữa tàu cá. Huyện đầu tư xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản đặc trưng của địa phương, quảng bá, tiếp cận, mở rộng thị trường qua hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối hải sản khắp dải ven biển miền Trung cũng như cả nước. Sản xuất theo chuỗi giá trị từ khai thác, bảo quản, đến cung ứng hàng hóa là cách để Núi Thành nâng cao hiệu quả nghề cá.
Theo ông Nguyễn Văn Mau, địa phương sẽ phối hợp với ngành thủy sản tỉnh, các trường đại học chuyên ngành thủy sản trên cả nước để mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng có tay nghề cao. Những lao động trẻ hoạt động nghề cá sẽ được đào tạo, tập huấn, chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản mới, hiện đại. “Từ chủ trương của huyện, địa phương khuyến khích tất cả thành phần kinh tế tham gia sản xuất nghề cá, đặc biệt là các tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới. Chúng tôi ưu đãi thu hút các doanh nghiệp phối hợp cùng ngư dân sản xuất theo hướng doanh nghiệp cung ứng vật tư, giúp ngư dân sản xuất ổn định trên biển rồi thu mua sản phẩm hải sản theo giá niêm yết” - ông Nguyễn Đình Sơn thông tin thêm.
Nguyễn Quang Việt (Báo Quảng Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.