Theo thống kê, lãi suất dài hạn của Tây Ban Nha ngày 16.4 tăng hơn 6%, mức cao chưa từng thấy kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở châu Âu.
|
Người thất nghiệp xếp hàng dài ở Tây Ban Nha. |
Ngày 17.4, Tây Ban Nha cho biết, các khoản chi phí vay mượn ngắn hạn cao gần gấp đôi so với cách đây một tháng. Nếu chi phí vay mượn tiếp tục tăng, lúc đó Tây Ban Nha sẽ không trả được nợ - một khó khăn từng buộc Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp phải tìm kiếm các khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Tây Ban Nha không phải là Hy Lạp, vì vậy hậu quả sẽ lớn hơn. Tình trạng vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng euro sẽ làm mất lòng tin về đồng tiền.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Tập đoàn Moody nhận định Tây Ban Nha là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với khu vực đồng euro. Nếu Tây Ban Nha sụp đổ, lúc đó toàn bộ khu vực đồng euro sẽ tan vỡ, mặc dù đến nay Tây Ban Nha dường như ở vị thế mạnh hơn Hy Lạp do có nền kinh tế cạnh tranh và chuẩn bị bán 86 tỷ euro nợ năm nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, ông Luis de Guindos cho rằng, sự so sánh Tây Ban Nha với Hy Lạp hoàn toàn vô nghĩa và rằng, Tây Ban Nha sẽ đi đúng hướng trong việc đáp ứng mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức 5,3% cho năm 2012.
Theo kế hoạch, ngày 19.4, Tây Ban Nha sẽ bán đấu giá các loại trái phiếu 2 năm và 10 năm, một cuộc thử nghiệm quan trọng về lòng tin của các nhà đầu tư. Ngoài ra, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang nỗ lực giải quyết vấn đề nợ ngày càng tăng của khu vực. Trong khi khó khăn chủ yếu của Hy Lạp là khoản nợ chính phủ quá lớn, chiếm 160% GDP, nợ của Chính phủ Tây Ban Nha chỉ chiếm 70% GDP ở thời điểm cuối năm 2011, thấp hơn cả khoản nợ của Mỹ và mức nợ trung bình của khu vực đồng euro.
Tây Ban Nha không phải là Hy Lạp, vì vậy hậu quả sẽ lớn hơn. Tình trạng vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng euro sẽ làm mất lòng tin về đồng tiền.
Nhưng khó khăn chính của Tây Ban Nha là nợ của khu vực tư nhân. "Quả bóng" nhà ở bị nổ đã làm nợ của khu vực tư nhân ở Tây Ban Nha tăng lên đến 214% GDP, lớn hơn 70% nợ khu vực tư nhân của Hy Lạp. Trong số 5 nước lớn nhất khu vực đồng euro, đến nay Tây Ban Nha có tỷ lệ nợ tư nhân lớn nhất. Giới phân tích cho rằng, bức tường lửa của EU không đủ lớn để cứu trợ Tây Ban Nha. ECB đến nay không muốn mua thêm nợ chính phủ.
Nhà kinh tế Zandi cho rằng, Tây Ban Nha phải làm hai việc: Giảm thâm hụt ngân sách và xây dựng lại luật lao động để lực lượng lao động cạnh tranh hơn. Đến nay, Tây Ban Nha là một trong số nước đứng danh sách đầu bảng về số thanh niên thất nghiệp gia tăng.
Trọng Vũ (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.