Chúng ta không "nói không" với một sản phẩm vì nó xuất xứ từ một vùng đất, một dân tộc nào. Chúng ta cần tẩy chay, khi sản phẩm đó độc hại.
Trên thị trường bây giờ, các sản phẩm "nhiễm độc" đang nhận sự cảnh giác cao độ. Nước giải khát, đồ chơi trẻ em, gia vị, rồi thậm chí cả quần áo, nếu bất cứ thứ gì có thành phần hóa chất mang nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, sẽ nhận một thái độ tẩy chay vô cùng quyết liệt.
Nhưng chúng ta đa phần chỉ nhìn nhận nó ở khía cạnh sức khỏe thể chất. Có những sản phẩm mang theo các dạng "độc tố" có thể gây hại cho sức khỏe của xã hội.
Một chiếc điện thoại nhái lại kiểu dáng của các hãng lớn trên thế giới, là một sản phẩm "nhiễm độc". Thành phần độc tố của sản phẩm ấy, là sự coi thường trí tuệ nhân loại, coi thường luật pháp quốc tế, là một tinh thần chống lại sự tiến bộ.
Độc tố ấy được tạo ra bởi sự bảo hộ của một hệ thống tồi. Ở một đất nước mà mới đây, người ta có thể cấm bán iPhone vì... nhái kiểu dáng của các mẫu điện thoại trong nước của họ (nghe như một chuyện hài), thì những sản phẩm "nhái" như thế trở thành một thứ tinh thần phổ quát.
Từ đồ gia dụng, hàng may mặc, đồ điện tử cơ khí, rất nhiều món hàng chúng ta nhập về bị "nhiễm độc" như thế. Tất nhiên là chúng rẻ. Và bởi vì chúng rẻ, nên "độc dược thị trường" của các mặt hàng như thế đã nhiễm cả vào tinh thần của người Việt chúng ta. Các hãng nước ngoài giờ vào Việt Nam cũng đối mặt với thảm họa hàng nhái.
Ai đã dạy người Việt làm ra các sản phẩm như thế? Phải chăng đến từ chính những thứ "độc dược thị trường" được nhập khẩu suốt nhiều thập kỷ qua?
Một sản phẩm gia công có giá cực kỳ rẻ mạt, cũng có nguy cơ bị "nhiễm độc". Đằng sau sản phẩm ấy là các công xưởng bóc lột sức lao động của công nhân, tước đi của họ quyền làm người, thậm chí rất giống với hình thức nô lệ. Một vài công xưởng như thế có cả những người Việt bị lừa qua biên giới.
Khi chúng ta mua những món hàng như thế, chúng ta tiếp tay cho những kẻ sản xuất chất độc, làm giàu cho họ, khuyến khích họ tiếp tục làm theo cách đó, và du nhập chất độc vào cơ thể mình.
Một ca sỹ, một diễn viên, vốn là một sản phẩm văn hóa - cũng hoàn toàn có thể "nhiễm độc" nếu họ sử dụng sức mạnh của mình để tuyên truyền chính trị. Văn hóa và chính trị buộc phải rạch ròi, không có sự ở giữa. Những người yêu thể thao hẳn vẫn nhớ FIFA phạt nặng thế nào với các đội tuyển để cổ động viên đem khẩu hiệu chính trị vào sân.
Giữa một chiếc điện thoại nhái và phát biểu chính trị của một cô ca sỹ có điểm chung, là sự vụ lợi bất chấp các giá trị của nhân loại.
Chúng ta không từ chối một sản phẩm vì nó đến từ đâu. Chúng ta không đánh đồng một nền văn hóa có giá trị với nhân loại với những sản phẩm được tạo ra bằng thủ đoạn. Nhưng chúng ta phải biết cách từ chối những sản phẩm nhiễm độc. Nhất là khi sự "nhiễm độc" ấy được o bế bởi cả một quốc gia với sự ngạo mạn và coi thường luật pháp quốc tế của họ.
Khi ta mua một mặt hàng gia dụng có kiểu dáng "nhái" các hãng phương Tây và Nhật, một mặt hàng cực kỳ rẻ mạt, thì ta hiểu rằng mình đã góp phần củng cố cả một hệ thống bất công và phản văn minh. Sự phản văn minh đó rất dễ dàng trở thành một phần của chúng ta: ta chấp nhận nó, ta sống thoải mái với nó, thì tất nhiên là đến lúc sẽ tìm cách tạo ra nó. Nước đóng chai La Vo hay là bánh Custard (thật ra là bánh Custas) được tạo ra bởi những cái đầu đã quen chung sống với chất độc.
Thứ độc tố ấy có thể nguy hại hơn cả chì trong nước giải khát. Vì nó hủy hoại sự tự tôn của một dân tộc bằng việc thỏa hiệp với những giá trị phản văn minh. Nó hủy hoại tương lai và sự tiến bộ.
Thứ độc tố ấy cần được loại trừ. Như mọi cuộc thanh lọc cơ thể, nó không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhưng nếu không làm, hậu quả không thể đo đếm được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.