Người ta gọi Nguyễn Mạnh Dũng với biệt danh là Dũng “Giáp”. Bởi sự nghiệp bóng đá của cựu trung vệ này được dẫn đường chỉ lối bởi bố anh, danh thủ Nguyễn Trọng Giáp. Anh vào Thể Công với xuất phát điểm từ bố của mình. Tất nhiên, phải có tài năng ở Thể Công, Mạnh Dũng mới trụ lại trong một thời gian dài ở đội bóng áo lính.
Thời điểm ấy là những năm sau bao cấp. Mọi thứ vẫn còn khó khăn. Nhưng Mạnh Dũng sinh ra và lớn lên trong gia đình mà cả nội ngoại đều có điều kiện.
Người ta nghĩ tôi chơi bời
Tôi không dám gọi là sang, nhưng cách ăn mặc, đi lại của mình có sự đàng hoàng. Thời điểm đó, các cầu thủ phía Bắc rất khó khăn trong việc sinh hoạt đời thường. Rồi trên sân phải sử dụng những đôi giầy thi đấu tương đối kém chất lượng. Còn tôi, lúc nào cũng thích ăn mặc quần áo đẹp, ra sân luôn muốn đôi giày phải phục vụ tốt cho mình.
Khi tôi được lên đội một Thể Công, tôi và các đồng đội đều thi đấu như nhau, tiền thưởng như nhau. Ví dụ như tiền thưởng trận đấu được 10 đồng, người ta có thể ăn 1 đồng, tiêu 1 đồng, còn 8 đồng để dành. Còn tôi có thể bỏ 8 đồng ra để mua quần áo, giày tất, điện thoại đẹp. Thành ra người ta nhìn vào thấy tôi có vẻ đúng là một thằng ăn chơi.
Đầu thập niên 90, những đôi giầy thể thao đẹp của hãng nước ngoài hiếm người mua, nhưng tôi đã mua để đi chơi rồi. Và bản thân mình cũng muốn được những bạn gái chú ý nên chủ động cắt tóc đẹp, vuốt keo bóng mượt, quần áo thơm tho. Thấy thế, người ta nghĩ tôi chơi bời”.
Tôi đi vũ trường không phải là ít
Thời của tôi không có nơi nào để đi chơi mà có tính giải trí cao như vũ trường cả. Từ “vũ trường” sau này bị nhiều người làm hình ảnh của nó xấu đi, chứ thực ra đó là để các thanh niên thỏa mãn thú vui nghe nhạc mạnh, chứ không phải là nơi làm cho con người ta hư hỏng đi.
Bản thân tôi đi vũ trường không phải ít, nhưng cũng không quá nhiều. Vấn đề là tôi đi đúng thời điểm. Tức là sau mỗi trận đấu tôi mới đi, kể cả đi đến đêm muộn. Nhưng có một cái ở tôi không bao giờ thay đổi là cá tính và phong cách sống.
Bây giờ hàng tuần, hàng tháng tôi vẫn lên vũ trường bình thường. Đó là thú vui, để xả stress thôi mà. Còn ngày xưa, có lẽ nhiều người nhìn vào thấy sự ganh ghét nhất định với mình.
Chiêu trò rời Thể Công
Bản thân tôi lúc đó cũng phải làm rất nhiều “động tác giả”. Ví dụ như bỏ đi chơi, xin nghỉ tập, mặc dù chả chấn thương gì cả. Rồi trong sinh hoạt mình cứ ăn, rồi ngủ, rồi báo đau bụng. Tức là mình cứ làm những hành động để người ta thấy là mình không ra sân được.
Cùng thời điểm đó, Khánh Hòa đang đá giải hạng Nhất và muốn mượn những cầu thủ quân đội ít sử dụng. Lãnh đạo Thể Công có lẽ cũng muốn tống tôi đi cho đỡ ngứa mắt, nên cho tôi tới Khánh Hòa. Tôi thầm nhủ thời cơ của mình đến rồi.
Vào Khánh Hòa, tôi chơi khá thân với anh Hoàng Anh Tuấn. Bản thân anh Tuấn là một người con Khánh Hòa, cũng rất muốn giúp đội bóng lên hạng. Nhưng tôi với bảo với anh ấy rằng: “Anh ơi, em vào lần này anh giúp em với. Em vẫn hết lòng với đội nhưng mà em chỉ đá chừng mực thôi”. Anh Tuấn không nói gì nhiều, chỉ bảo “ừ, em cứ sinh hoạt cùng đội”.
Lúc ấy vào tôi cũng chỉ đá lớt phớt, hầu như đi nhậu, đi tắm biển là chính. Mục đích là để tạo cái tiếng, khiến lãnh đạo CLB Khánh Hòa báo ra với Thể Công rằng Dũng “Giáp” không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, không đá được bóng. Hầu như các HLV của Thể Công mới nghĩ thôi Dũng “Giáp” chắc hỏng rồi.
Tìm lại chính mình để được đá cùng Kiatisuk
Năm 2002 lên HAGL, tôi trở lại là Dũng "Giáp". Tôi đã tự mình không tham gia vào tập thể Thể Công, mất 3 năm rất phí. Ngoài đam mê đá bóng còn cả thu nhập nữa chứ.
Tôi theo dõi một chút thông tin sau khi HAGL lên hạng và có Kiatisuk. Tôi thấy đây là đội bóng cực kỳ khát khao và thực sự có tham vọng. Đó là cá tính của Dũng "Giáp", muốn gì thì phải làm bằng được. Mình quyết liệt để được chơi trong đội bóng này, rồi phải tập luyện, phải làm sao để được sắp vào đội hình chính để làm đồng đội Kiatisuk.
Các bạn mình vẫn kiếm tiền bằng nghề, vẫn đam mê khát khao. Khi ấy, tôi phải phấn đấu lại.
Kiatisuk làm cho những cầu thủ xung quanh muốn chơi cùng. Bản thân cậu ấy cũng là cầu thủ muốn gần gũi với đồng đội để họ hỗ trợ mình. Lúc đó Kiatisuk có thể chỉ được coi là đầu tàu về mặt hình ảnh của CLB. Chứ nếu không có bầu Đức, không có những đồng đội trên sân thì cũng không có Kiatisuk ở HAGL.
Còn ở góc độ cá nhân, tôi rất trân trọng, khâm phục và yêu quý Kiatisuk. Cậu ấy và các cầu thủ Thái Lan khi sang HAGL, tôi nhận thấy họ cũng là người Đông Nam Á, có cái chất như mình thôi. Nhưng tại sao họ lại có thể thành công trong cả quãng thời gian dài? Bởi tính chuyên nghiệp của cầu thủ Thái họ đi trước chúng ta rất nhiều. Chính điều đó giúp tạo ra sự gắn kết, khiến HAGL trở thành một khối vững mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.