Cũng tại huyện này, thống kê chưa đầy đủ có khoảng 100ha hoa màu, cà phê bị nhấn chìm. Tại huyện Ea Súp, do mưa lớn đầu nguồn đổ về, khiến cho các thôn 1, 2, 8, 10 và 12 (xã YaTmốt), 6, 7, 15, 16, 17, 18 và buôn Mtha (xã Ea Rốc), 5A, 5B, 6, 7 (xã Cư Kbang) bị ngập. Đặc biệt có 50 người dân của các xã Cư Kbang và Ea Rốc khi đi làm rẫy đã bị nước lũ lên nhanh cô lập. Đến 8 giờ sáng 18.9, toàn bộ số người này đã được Ban chỉ huy PCLB huyện đưa về nơi an toàn.
Cầu Ea Khal (QL 14) bị ngập sâu do mưa lớn.
Còn tại Kon Tum, mưa lũ làm Tỉnh lộ 677 bị sạt lở nhiều đoạn, giao thông đi lại rất khó khăn. Tỉnh lộ 673 bị sạt lở gây ách tắc 3 tại km 0-300; km 6+600 hiện nay tuyến đường này không lưu thông được. Tỉnh lộ 676 (từ km20-km26) sạt lở 3 điểm, khối lượng bị sạt lở khoảng 1.300m3.
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở khoảng 99m mặt đường, khối lượng sạt lở khoảng 4.400m3 đất đá, lũ cuốn trôi và làm xói lở nặng 5 cống qua đường; mố trụ và đường dẫn vào 4 cầu treo bị sạt lở; 1 ngầm bị nước cuốn trôi. Hàng chục ha diện tích hoa màu thuộc các huyện Kon Rẫy, Đăk Tô, Sa Thầy bị bồi lấp.
Trong khi đó, tại Gia Lai mưa lớn kéo dài nên nước trên đầu nguồn các con sông đổ về đã làm ngập nhiều căn nhà và diện tích hoa màu của người dân ở huyện Chư Prông. Tại thôn Phố Hiến, xã Ia Lâu (Chư Prông) mực nước dâng cao đã gây ngập cục bộ 19 căn nhà; xã Ia Piơr (Chư Prông) có 172 hộ gia đình ở 3 thôn Đoàn Kết, Yên Hưng và Yên Bình cũng bị ngập khoảng 1m, trong đó có 3 căn nhà bị hư hỏng.
Duy hậu- Quốc Dinh (Duy hậu- Quốc Dinh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.