(ảnh minh họa)
Dư luận thời gian qua đặc biệt quan tâm tới việc Tổng công ty (TCT) hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) lên kế hoạch tái cấu trúc một đơn vị của doanh nghiệp này là Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) nhằm thành lập hãng hàng không mới với tên gọi dự kiến “công ty cổ phần hàng không Vasco”, chuyên phục vụ các đường bay ngắn trong nước.
Trong quá trình thực hiện đề án này, Vietnam Airlines đã nhận được đề xuất của Techcombank (nhà đầu tư) có mong muốn tham gia góp vốn cùng với TCT để trở thành thành viên sáng lập của hãng hàng không mới này.
Trong việc lập hãng hàng không mới này, TCT hàng không Việt Nam góp 51% vốn điều lệ. Phía Techcombank qua 2 công ty con là Công ty TNHH một thành viên quản lý kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% vốn điều lệ và CTCP phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ.
Trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Techcombank sẽ rót vốn ban đầu khoảng 147 tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines sẽ cung cấp các máy bay và tài sản khác thuộc Vasco.
Theo dự kiến, hãng hàng không mới sẽ có 5 chiếc máy bay cánh quạt ATR đi đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang) đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.
Trên cơ sở dự báo thị trường, các nguyên tắc rà soát mạng đường bay và các kịch bản cạnh tranh, Vietnam Airlines và Techcombank đã cùng tính toán, xây dựng phương án kinh doanh của Công ty cổ phần hàng không Vasco. Theo đó, dự tính công ty sẽ hoạt động hiệu quả, cân đối tài chính và có lãi ngay từ năm đầu, với mức lợi nhuận tăng dần cho các năm tiếp theo. Mức doanh thu ước tính cho 3 năm (2016-2018) dự kiến đạt gần 2.000 tỉ đồng.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc Techcombank muốn đổ vốn vào hàng không có thể do nhắm đúng vào lúc giá nguyên nhiên liệu của ngành này đang giảm mạnh, các hãng hàng không thời gian qua liên tục thu lãi khủng, kéo theo đầu tư của các ngân hàng vào đây hiệu quả. "Tuy nhiên, gạt vấn đề pháp lý sang một bên-hàng không luôn là một lĩnh vực đầy rủi ro mà các ngân hàng của Việt Nam không nên (thậm chí không được) đầu tư"-ông Hiếu nói.
Ông Hiếu giải thích: "Tại Việt Nam, các ngân hàng chủ yếu là ngân hàng thương mại, huy động vốn của dân và cho vay với nền kinh tế. Việt Nam chưa có ngân hàng nào hoạt động đúng chức năng như một ngân hàng đầu tư (tức không huy động tiền của dân mà huy động tiền qua bán cổ phiếu, trái phiếu). Vì thế, ngân hàng Việt Nam không nên đầu tư, đặc biệt là vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản (hiện đã không được phép), hàng không...".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn-Giám đốc dự án Năng lực thương mại Quốc gia cũng cho rằng, kể cả các ngân hàng thông qua các công ty con của mình đầu tư vào lĩnh vực hàng không cũng là không hợp lý. Bởi “dù ít nhiều anh vẫn huy động tiền của dân thì phải cho dân vay chứ đầu tư vào những lĩnh vực không chuyên môn, rủi ro sẽ rất lớn”-ông Toàn nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thế giới nhiều hãng hàng không phát đạt nhưng cũng nhanh chóng “sập tiệm” chỉ vì những lý do biến động giá dầu, tai nạn máy bay, kể cả các vấn đề chính trị-xã hội biến động.... Do vậy, trước khi đầu tư vào hàng không hay các lĩnh vực không chuyên, có rủi ro cao, các ngân hàng cần cân nhắc. Các ngân hàng có thể chuyển hướng đầu tư sang cho vay với các lĩnh vực này dựa trên "lịch" trả nợ hợp lý, có thể sẽ đem lại hiệu quả tín dụng lớn hơn.
Techcombank được biết đã hợp tác với Vietnam Airlines trong 15 năm qua. Hầu hết các dịch vụ ngân hàng cho Vietnam Airlines được Techcombank cung cấp, gồm thực hiện thu hộ 100% tại các văn phòng bán vé; cung cấp gói tài chính cá nhân toàn diện cho cán bộ nhân viên; cung cấp hạn mức tín dụng lớn và tham gia tài trợ nhiều dự án trọng điểm như đầu tư 6 máy bay ATR 72-500, 16 máy bay A321...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.