Mỗi con tem mua tại cơ sở in chỉ có giá 60 đồng
Tem trái cây dán vào… cho đẹp
Tem trái cây là mã số để người tiêu dùng kiểm tra thông tin của sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều trái cây dán tem nhãn mác nhập khẩu từ Úc, Mỹ,… nhưng kiểm tra bằng phần mềm chuyên dụng truy xuất nguồn gốc thì không ra kết quả.
Trong khi đó, trái cây Trung Quốc nhập khẩu chiếm đến 50% khối lượng nhưng ra chợ và siêu thị thì hầu như không thấy mà tất cả đều mang nhãn mác từ các nước khác. Theo 1 số tiểu thương, vì trái cây Trung Quốc khó bán nên nhiều đại lý nhập hàng về rồi lột tem cũ, dán tem mới ghi xuất xứ từ Mỹ, Úc, Châu Âu… cho dễ bán.
Tiếp xúc với chị Ly, một tiểu thương bán trái cây dạo trên đường Âu Dương Lân (quận 8), chúng tôi khá ngạc nhiên vì hầu hết trái cây của chị đều được dán những loại tem nhập khẩu rất bắt mắt. Chị khẳng định mình bán táo nhập khẩu Mỹ và không bán táo Trung Quốc. Tuy nhiên, về nguồn gốc của tem thì chị cũng không biết có phải tem nhập khẩu hay không?
Trái cây bán ngoài chợ đều có dán tem nhập khẩu xuất xứ từ Mỹ, Úc... trong khi lượng lớn trái cây Trung Quốc nhập khẩu không biết... đi đâu
"Chị mua của đại lý nguyên thùng luôn em ạ, mua thì có sẵn tem rồi. Khi thì đại lý dán tem lên từng trái cho mình, khi thì để đống tem đó mình về dán. Các em muốn mua tem thì ra chợ Kim Biên, Chợ Lớn mà mua, ở đó mua loại nào cũng có. Mình thích loại nào thì mình mua về dán vào cho đẹp. Thỉnh thoảng lấy phải thùng táo không có tem chị cũng nhờ bạn ra ngoài đó mua về giúp một ít để dán", chị Ly cho hay.
Ra chợ muốn mua bao nhiêu tem cũng có
Theo lời giới thiệu của chị Ly, chúng tôi ra khu vực chợ Kim Biên, Chợ Lớn để hỏi mua tem thì liên tục nhận được lời từ chối. Một số người lái xe ôm ở khu vực trên cũng cho biết, tem trái cây chỉ bán cho người quen hoặc khách mua trái cây lâu năm. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ một người lái xe ôm đưa đi mua thì ông này đòi 50 ngàn tiền công.
Trên đường đi, người lái xe ôm cho biết: "Ngày trước tem trái cây ở đây bán công khai nhưng mấy năm nay bị công an bắt quá nên phải lén lút bán. Lúc trước hơn 30 tiệm bán trái cây đều bán tem hết nhưng giờ chỉ còn vài tiệm thôi".
Tại một sạp trái cây trên đường Chu Văn An (quận 8), khi chúng tôi được giới thiệu là người quen, chủ sạp trái cây tên Hương cho biết: "Muốn mua táo thì 55.000 đồng/kg, còn muốn mua tem thì 200 đồng/chiếc. Muốn lấy 1 loại tem hay nhiều loại. Mua trên 500 cái cô giảm giá xuống cho còn 150 đồng/chiếc, mua trên 1.000 chiếc thì giảm giá còn 100 đồng".
Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc những loại tem trên thì bà Hương tỏ thái độ khó chịu: "Có mua không mà hỏi nhiều thế. Tem này là tem nhập khẩu đàng hoàng, cứ mua về mà dán vào từng trái mà bán. Không mua thì đi chỗ khác, giá ở đây mà không mua ra chỗ khác nó bán 500 (đồng) một cái thì tự chịu".
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua thử một ít tem về dán trước, bà Hương ra hiệu cho một người phụ nữ trung niên mang ra một bọc màu đen chứa nhiều loại tem khác nhau.
"Tụi con chọn đi, ưng loại nào thì cô vào lấy thêm ra cho", người phụ nữ trung niên cho biết. Trong bọc màu đen, chúng tôi nhận thấy tem có các nhãn hiệu như ENVY, APPLE...
Tự in tem về dán
Để tìm hiểu tận gốc người cung cấp các loại tem trái cây nhập khẩu giả, chúng tôi được một tiểu thương giới thiệu ra một cửa hàng in lụa trên địa bàn quận 3. Tại đây, nhân viên của cửa hàng in lụa đã đưa cho chúng tôi hàng loạt mẫu tem dán trái cây đã làm trước đây.
Để quảng cáo thêm cho cửa hàng của mình, nhân viên trên vừa cầm 1 loại tem nhập khẩu vừa nói: "Loại tem này được nhiều người đặt mua nhất nè. Anh chị nên mua loại này về mà dùng. Ngoài ra, tụi em còn có thể in bất cứ mẫu tem nào trên mạng hoặc mẫu anh chị mang tới. Bất kể của nước nào, hình dáng ra sao, kể cả mã số in trên tem để tra cứu nguồn gốc nhập khẩu tụi em làm được hết".
Nhân viên nhà in khẳng định có thể in được mọi loại tem y như thật
Cũng theo nhân viên trên, nếu khách có mẫu sẵn thì có thể in ngay hàng loạt tem trong ngày. Đối với những khách hàng chưa có mẫu sẵn thì phải đợi nhân viên thiết kế và ngày hôm sau mới lấy được tem.
"Ở đây tụi em in rẻ mà chất lượng anh chị ạ. Nếu in trên 1.000 tem thì giá chỉ 100 đồng/cái thôi. Tuy vậy, nếu anh chị muốn rẻ nữa thì in giấy thường giá chỉ có 60 đồng thôi", nhân viên này cho biết.
Trao đổi thêm về việc dán tem giả, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, cho biết: "Trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại dán tem của nước khác hoặc không dán tem để đánh lừa người tiêu dùng được xem là hàng nhập lậu. Vì trái cây là thực phẩm nên mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh trái cây nhập lậu sẽ gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt cụ thể là từ 400.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tùy vào giá trị trái cây nhập lậu".
Xuân Hinh (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.