Tết Đoan Ngọ, nhớ chiếc bánh ú tro của bà

Khải Huyền Thứ hai, ngày 18/06/2018 18:00 PM (GMT+7)
Sáng sớm vừa mở mắt, cả lũ chúng tôi thức dậy, chỉ chực chạy ù xuống bếp xem nồi bánh chín chưa. Mà lần nào chúng tôi bước được xuống giường, bánh cũng đã chín, bà đã vớt ra để đầy một rổ. Chúng tôi lần lượt bước qua, nhanh tay “nhón” một cái, giây phút chờ đợi cả tuần lễ nay, chỉ có vậy…
Bình luận 0

Chỉ vài phút rạo rực buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ nhưng là công sức của bà, của mẹ cả tuần lễ lụi hụi chuẩn bị , sắm sửa. Ngày trước, bà còn khỏe, việc làm bánh ú tro tỉ mỉ, kéo dài cả tuần. Đầu tiên là chuẩn bị nước tro. Tôi nhớ đâu từ sau tết Nguyên Đán, kéo dài tới tháng 4 âm lịch, sau khi thu hoạch mè (vừng), bà tôi giữ lại một nắm cây mè đã giũ sạch hạt, rửa sơ qua rồi phơi khô, đem cất. 

img

Chiếc bánh ú tro nóng hổi, món quà buổi sáng tết Đoan Ngọ "ngon lành" của lũ trẻ chúng tôi.

Tới đầu tháng 5, bà hái thêm nắm lá thị sau hè, cùng với mấy cọng mè hôm trước, bà đốt thành tro rồi lấy tro bụi này hòa với nước sạch, để qua đêm cho nước tro lắng xuống. Sáng hôm sau, bà gạn lấy phần nước trong phía trên, để thêm một ngày nữa, rồi gạn thêm lần nữa. Lúc này, những tro bụi “đen thui” lúc đầu biến đâu mất, chỉ còn lại tô nước trong vắt.

Nước tro này bà dùng để ngâm với gạo nếp qua đêm. Trước khi ngâm nước tro, gạo nếp được “gút” qua vài lần (tức vo gạo nếp cho sạch). Mà để đến được công đoạn ngâm gạo nếp này, chúng tôi, lũ trẻ trong nhà, được bà tạo cho một dịp đóng vai “Tấm Cám”.

img

Để bánh ngon, không bị sống sượng, bà đổ nếp ra "nia" và gọi chúng tôi lại tìm nhặt những hạt gạo tẻ lẫn trong nếp.

Bởi, gạo nếp gói bánh tro phải không lẫn gạo tẻ, vì nếu lẫn gạo sẽ nấu không chín, bánh sẽ không ngon vì bị sượng. Thế nên, bà thường giao chị em tôi ngồi nhặt gạo tẻ lẫn trong mớ gạo nếp chuẩn bị làm bánh. Thông thường, ở quê tôi, mỗi nhà thường dành một đám ruộng riêng để trồng lúa nếp. Khác với những đám lúa tẻ bình thường khác, đám lúa nếp được chăm sóc kỹ càng hơn, cây nào “lùn” hơn đều bị nhổ bỏ ngay từ nhỏ, mục đích là để loại lúa tẻ ra khỏi lúa nếp.

Dẫu gạo nếp để làm bánh tro là nếp “xịn”, đã được chọn từ trước nhưng thỉnh thoảng vẫn còn vài hạt gạo tẻ. Thường thì, sau một hồi sục sạo, bọn tôi chỉ nhặt được vài ba hạt nhưng đó cũng là công trạng lớn, đủ để bà thưởng chiếc bánh tro nóng hổi vào sáng sớm Tết Đoan Ngọ.

Nếp sau khi ngâm với nước tro qua đêm, bà để ráo nước rồi cho thêm chút muối và bắt đầu công đoạn gói bánh. Cả buổi chiều loay hoay với lá, với lạt buộc nhưng chúng tôi vẫn không thể hiểu làm sao bà có thể gói chiếc bánh ú với các góc vuông vức, chiếc bánh vẫn “mập mạp” đáng yêu nhưng góc nào ra góc nấy.

“Có lẽ, đó là một điều kỳ diệu của đôi tay người lớn!”, tôi đã có lần tự nhủ như vậy khi học mãi vẫn không thể gói được bánh ú.

img

Các góc bánh ú tro vuông vức, chiếc bánh nhỏ nhắn xinh xắn có lẽ là "điều kỳ diệu của đôi tay người lớn", tôi đã từng nghĩ như vậy.

Bánh ú tro bà tôi gói thỉnh thoảng có nhân đậu xanh nhưng thông thường là không có nhân. Chúng tôi lột bánh, chấm đường cát và nhai ngon lành những chiếc bánh dẻo, thơm mùi nếp và còn hăng hắc mùi tro lá thị, cây mè. Bánh ngon có màu vàng gương, đều màu, không lẫn gạo tẻ.

Ngày nay, chiếc bánh ú tro vẫn phổ biến trong mâm cổ của các gia đình dịp Tết Đoan Ngọ, thế nhưng bà tôi đã lớn tuổi phải nghỉ ngơi rồi, nên việc làm bánh ú tro không còn tỉ mỉ, cẩn trọng như trước. Các mẹ, các chị cũng thường mua bánh ú tro nấu sẵn thay vì tự tay gói. Còn nếu có làm bánh, các chị cũng thường dùng thuốc muối hoặc mua nước tro chế biến sẵn ngoài chợ thay vì phải kỳ công đốt tro, gạn nước như bà ngày trước.

Riêng với tôi, 10 năm xa quê là 10 năm tôi không còn được cùng bà học gói bánh ú tro. Thế nên, cứ mỗi dịp tết Đoan Ngọ về, tôi lại thèm bánh, thèm chiếc bánh ú tro nhất định phải làm bằng nước tro, do bà tỉ mỉ vuốt từng góc nhọn, nấu qua đêm đến khi trời hưng hửng sáng…

Bánh ú tro ngoài việc để ăn trong nhà, còn để tặng hàng xóm và người thân. Bà thường chia thành từng chùm, cho từng gia đình, tùy theo “quân số” mỗi nhà mà được nhiều hay ít bánh hơn. Dù ít dù nhiều, mỗi lần nhận bánh của bà là tràn ngập niềm vui!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem