Tết Hoa mào gà
Hàng năm, cứ vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, cộng đồng dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên lại tổ chức Tết Hoa mào gà (Mền loóng phạt ái). Cộng đồng dân tộc Cống là 1 trong 5 cộng đồng dân tộc thiểu số ít người của tỉnh Điện Biên, cư trú tại các bản Púng Bon, Huổi Moi (thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên), bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) và bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) với hơn 200 hộ dân.
Trong năm, đồng bào dân tộc Cống nhiều lễ hội như: Tết Hoa mào gà, lễ cúng bản, lễ cúng tổ tiên, lễ cưới, lễ lên nhà mới... Trong đó, Tết Hoa mào gà là độc đáo nhất và là ngày Tết cổ truyền của người Cống.
Bà con người Cống cắm hoa mào gà quanh nhà đón Tết.
Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này được coi là cây cầu nối hai thế giới âm-dương. Người Cống coi đời sống tâm linh là hết sức thiêng liêng, niềm tin về cõi thiêng đó không bao giờ tắt. Vì thế, các nghi lễ diễn ra trong Tết Hoa mào gà được tổ chức trang trọng, hướng về cội nguồn tổ tiên và bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thổ thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Diễn trình Tết Hoa mào gà gồm các lễ thức khác nhau: Sáng sớm ngày diễn ra lễ, chủ mỗi gia đình lên nương lúa hái hoa mào gà gieo quanh nương mang đến nhà thầy cúng và cùng nhau trang trí hoa từ gốc tới ngọn trên một cây tre ngọn cao tới sát nóc còn nguyên cành dựng giữa nhà.
Địa điểm diễn ra lễ cúng của Tết Hoa mào gà là tại nhà già làng (kiêm thầy cúng). Ngày diễn ra lễ cúng của Tết hoa, già làng, phát lệnh cấm bản, nếu ai làm trái lệ làng người Cống quan niệm sẽ bị ốm đau và gặp nhiều điều không may mắn.
Sau khi các nghi lễ của Tết Hoa mào gà kết thúc, thầy cúng lần lượt đi cúng cho từng nhà (mỗi gia đình kết sẵn một vòng hoa mào gà nhỏ đặt vừa đầu người treo trên một chiếc sào gác ngang xà gian chính giữa nhà).
Kết thúc phần lễ, phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt cả bản, cả mường cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này.
Nồi nước thuốc lá đêm 30
Là một trong những dân tộc rất ít người của cả nước (có dân số dưới 10.000 người), nhưng dân tộc Cờ Lao ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn có phong tục ăn Tết rất độc đáo.
Không khí ngày Tết thường đến với các gia đình Cờ Lao từ rất sớm, vào ngày 23 tháng Chạp trong các ngôi nhà đã bắt đầu bận rộn chuẩn bị cho lễ cúng thần bếp, một vị thần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng không khí rộn ràng thật sự bắt đầu vào ngày 26 tháng Chạp khi các nhà mổ lợn chuẩn bị ăn Tết.
Tết của người Cờ Lao không thể thiếu thịt lợn.
Tết của người Cờ Lao không thể thiếu thịt lợn. Ngoài ra, một món bánh không thể thiếu đó là bánh dày. Người Cờ Lao sẽ làm một chiếc bánh lớn bằng cái mâm và một số bánh bé to bằng miệng bát. Sau khi các lễ vật cúng tổ tiên đã chuẩn bị xong, bà con sẽ đặt 3 chiếc bánh dày bé lên bàn thờ.
Ngoài ra, bà con sẽ treo chiếc bánh giầy lớn và 3 túm bánh nhỏ mỗi túm có 3 chiếc bánh, 1 miếng thịt lợn hun khói ở bên trái bàn thờ cho linh hồn của bố, mẹ về ăn Tết.
Đến đêm 30, một nồi nước thuốc lá cây với rất nhiều loại lá hái ở trên rừng và trong vườn nhà về như lá chè, ổi, long não, bưởi… được nấu lên để cả nhà tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, bà con dâng mâm cơm cúng mời tổ tiên về ăn Tết lên bàn thờ, các lễ vật bắt buộc phải có gồm: 1 con gà trống, 3 miếng thịt lợn luộc cắt vuông, bánh dày, rượu, vàng hương.
Lễ mở cửa - khai môn năm mới được thực hiện vào đêm giao thừa. Lúc này, chủ nhà phải chuẩn bị một sàng gạo, tiền xu, tiền giấy và gà trống đặt trước cửa, và đọc bài cúng bằng tiếng dân tộc, sau đó nhận lời chúc phúc, chúc lộc từ mọi người.
Sáng mùng 1 Tết, cúng cơm sẽ là việc phải làm đầu tiên; nhưng đặc biệt trong ngày này người ta kiêng không cho con gái đi ra khỏi nhà, không quét nhà hay làm bất cứ việc gì từ sáng đến tối. Thường thì họ sẽ chờ người khách là nam giới đến xông nhà, chúc Tết xong thì con gái trong nhà mới được đi chơi xuân. Mùng 2 Tết người ta sẽ mổ 2 con gà trống dành để thờ thủ công và bà mụ của trẻ con cầu mong sức khỏe, an khang, tài lộc… Đến mùng 3 Tết, nếu chọn được ngày tốt thì các gia đình sẽ hạ bánh dày lớn xuống và kết thúc 3 ngày Tết.
Trong những ngày Tết, người Cờ Lao cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh yến, đánh cù, đẩy gậy, đu quay… tạo nên không khí tưng bừng ngày Tết.
Tết Ramưwan của người Chăm
Tết Ramưwan là Tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni sống trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; có nhiều hoạt động với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất như thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia, mời ông bà tổ tiên về với con cháu.
Tết Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Tết Ramưwan của người Chăm Bàni là sự kết hợp của nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ tảo mộ, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng chay niệm Ramadan của các thầy Char tại chùa, tháp…
Vào những ngày này, các gia đình trong làng người Chăm đông vui náo nhiệt, trẻ con chạy nhảy nô đùa tung tăng; đồ vật trong nhà, bếp, ngoài sân được sắp đặt gọn gàng, dọn vệ sinh sạch sẽ để đón khách…
|
Vi Ngọc Chiến (Đại Đoàn Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.