Thái Nguyên thiệt hại hơn 7.000ha lúa, hoa màu, 323 nhà bị tốc mái, 3.000 hộ dân phải di dời
Thái Nguyên thiệt hại hơn 7.000ha lúa, hoa màu, 323 nhà bị tốc mái, 3.000 hộ dân phải di dời do bão lũ
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ năm, ngày 12/09/2024 08:00 AM (GMT+7)
Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 7.332,42 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 323 nhà bị tốc mái, 255.817 con gia súc, gia cầm bị chết, 3.063 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI), từ ngày 6/9 đến sáng 11/9 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Về nhà ở, có 3.063 hộ phải di dời khẩn cấp; 323 nhà bị tốc mái; Về giáo dục có 25 điểm trường bị ảnh hưởng; Về nông nghiệp có 7.332,42 ha lúa và hoa màu; 415 ha cây rừng bị thiệt hại; Về chăn nuôi có 255.817 con gia súc, gia cầm bị chết; Về giao thông có 117 điểm sạt lở;
Về thủy sản có 1.606,4 ha nuôi cá bị ngập; Về thông tin liên lạc có 14 cột treo cáp bị gãy đổ; 3.300m dây bị đứt và nhiều thiết bị đầu cuối bị hư hỏng; Về công nghiệp có 4 trạm biến áp bị hư hỏng; 60 cột điện bị đổ.
Hiện nay các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại. Công tác triển khai ứng phó, khắc phục thiệt hại đang được các cấp, ngành địa phương tích cực triển khai.
Các sở, ban, ngành; cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh ứng phó với bão số 3, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Cùng với đó, tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, ngập lụt, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời các hộ dân bị ngập lụt, các khu vực bị chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; triển khai phương án hộ đê chống lũ theo phương án được duyệt; triển khai khắc phục các sự cố sạt lở các tuyến giao thông, khôi phục hệ thống điện, vận hành, điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn...
Đáng chú ý, lực lượng Quân đội, Công an đã huy động trên 7.000 cán bộ chiến sỹ và dân quân tự vệ để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nhằm kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ và lực lượng xung kích địa phương cùng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết thực hiện gia cố đê tại 5 vị trí khu vực TP.Thái Nguyên (tổng chiều dài khoảng 300m) đảm bảo khả năng chống lũ của tuyến đê; bố trí, huy động thêm lực lượng túc trực, tuần tra canh gác, theo dõi mực nước và diễn biến khu vực đắp đê gia cố...
Tính đến thời điểm 7 giờ ngày 11/9, mực nước sông Cầu tại trạm thủy văn Gia Bảy đang rút, hiện nay ở cao trình 27.34cm trên mức BĐ3 34cm (đỉnh lũ 29.81cm); tại trạm thủy văn Chã nước lũ tiếp tục lên hiện đang ở cao trình 10.57 cm trên mức BĐ3 57cm; các cống dưới đê hiện nay đang đóng; mực nước hồ Núi Cốc hiện đang ở cao trình 47.12cm (trên mức BĐ2 57 cm), hiện đang xả tràn với lưu lượng Q=300m3/s; trạm bơm tiêu cống Táo, thành phố Phổ Yên đang vận hành bơm tiêu úng.
Hiện nay, nước sông Cầu khu vực TP.Thái Nguyên đang rút, tuy nhiên một số khu vực dân cư thuộc phường Quang Vinh, Đồng Tâm, Túc Duyên, Cao Ngạn … thuộc TP.Thái Nguyên vẫn bị ngập úng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn; tuyến đường nội thị nước vẫn ngập một số tuyến: đường Dương Tự Minh, đoạn phường Quang Vinh; ngã 5 tỉnh ủy…; khu vực tổ dân phố Cầu, Kè, Soi… phường Lương Sơn, TP.Sông Công. Mực nước sông Cầu tại huyện Phú Bình và TP.Phổ Yên đang lên, gây ngập lụt cho một số tuyến đường dân sinh các xã ven sông của huyện Phú Bình, khu dân Soi Cốc phường Tân Phú, TP.Phổ Yên...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.