Tết là duy nhất

Mỹ Hằng Thứ sáu, ngày 24/01/2020 07:00 AM (GMT+7)
Sau bao năm đến giờ vẫn còn có người băn khoăn câu hỏi có nhập Tết ta vào Tết tây.  Không đơn giản là chuyển nồi bánh chưng, mâm cỗ Tết về thời khắc sớm hơn cả tháng.
Bình luận 0

Cậu bạn ở Sài Gòn ra trước Tết, kêu Hà Nội tắc đường ghê quá, chẳng còn kịp nhận ra không khí Tết ở đâu.  Thì có gì lạ, Hà Nội lúc nào chả tắc đường,  có phải chỉ là Tết đâu. Hàng mấy năm nay Hà Nội bao giờ nào cũng hối hả, gấp gáp tạt đầu, bất ngờ rẽ không xi nhan, vẫn nguyên thế có gì khác đâu. Ai cũng kêu tắc, nhưng ai cũng lao ra đường. Giáp Tết, tắc đường còn có cái vui hơn mà ngắm, khi người chở đào, người chở quất, người xách giỏ quà, nhìn cũng hay mắt, lại phỏng đoán nhà ấy năm nay chắc làm được, nhà kia chắc tính tình nghệ sĩ, nhà nọ chắc khoái phô trương, chả  vui hơn ư.

Nhưng Hà Nội chỉ đông đến chiều 27 Tết.  Ngày 28, ngày đi làm cuối cùng, không còn cảnh “tất cả mọi ngả đường đều tắc” bất kể giờ giấc nữa.  Ngày 28 chỉ đông đường mua hoa Tết trên Âu Cơ, Hàng Lược, Hàng Mã,  đường vào siêu thị cho những người còn chưa kịp sắm sửa Tết,  hay những cửa ngõ Hà Nội cho người về quê… Rồi sẽ lặng yên dần cho tới giao thừa.

img

Chiều 22/1 (28 Tết), người dân đổ về quê ăn tết, nhiều tuyến đường cửa ngõ thủ đô bị ùn tắc nhiều giờ.

Đến giờ sau bao nhiêu cuộc tranh luận năm nọ qua năm khác rồi mà vẫn không ít người đặt ra câu hỏi có nên nhập Tết ta vào Tết tây. Nhưng tại sao lại phải nhập? Nếu vì lý do thiệt hại kinh tế bởi lệch thời gian giao dịch, làm việc với thế giới thì cũng có thể. Nhưng cái gì thiệt hại tính được bằng tiền, kể cả tiền tỷ đô đi nữa, thì vẫn có thể làm lại được.  Cải thiện hiệu quả làm việc, chống lãng phí chẳng hạn, sẽ bù vào thiệt hại đó.  Cái mất mát về tinh thần mới thật sự là không gì bù đắp nổi. Thiệt hại ấy, không thể nào nhìn ra ngay,  là nguy cơ mất đi sức mạnh tinh thần, bản sắc văn hóa truyền thống, mất đi cái tôi để định vị mình giữa một thế giới rộng lớn nơi biên giới, ranh giới đang bị xóa bỏ ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.

Tết là lúc sum họp, lúc trở về với giá trị nguồn cội, lúc duy trì bản sắc cộng đồng dân tộc. Đó là lúc con người dành thời gian để gần với những giá trị nhân văn nhất, thoát khỏi giá trị công năng để trở về với tiếng nói của trái tim, với sợi dây ràng buộc mình cùng ruột thịt, cộng đồng.  Mấy tiếng “về nhà ăn Tết” mới thân thương cảm xúc làm sao. Đó là lúc chúng ta có thể nghỉ ngơi, sống chậm lại sau cả một năm bận rộn. Công nghệ, khoa học đã phát triển đủ để chúng ta có thể tăng năng suất lao động, chỉ cần mỗi người ý thức và tuân thủ điều đó trong khi làm việc để có kỳ nghỉ xứng đáng. Người Nhật bỏ Tết truyền thống ăn Tết tây, nhưng rồi họ vẫn làm việc hùng hục, số vụ tự sát do căng thẳng không hề giảm. Người Trung Quốc, ở đất nước được coi là công xưởng của thế giới, lại càng ngày càng tăng số ngày nghỉ.  

Việc nhập 2 Tết làm một, nếu có, không đơn giản bê nồi bánh chưng từ Tết ta lùi về Tết tây là xong.  Không phải lùi cơn sốt tắc đường, mua sắm, dọn dẹp, lùi ngày nghỉ từ Tết ta về Tết tây là xong. Không đơn giản thế.

Ngoài việc dành thời gian duy trì kết nối gia đình, truyền thống, yêu thương, Tết còn một lý do hơn thế, là sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên mà Tết tây không có được.

Tiết khí 4 mùa đã được thiên nhiên định sẵn và được người Việt từ ngàn xưa tính toán theo sự vận hành của lịch Mặt Trăng. Liệu có thể bắt sắc thắm của đào, sắc rực rỡ của mai nở rộ vào Tết tây? Liệu có thể bắt sức sống âm thầm mãnh liệt, sinh sôi nảy nở của từng chồi cây, của thiên nhiên bừng lên trong dịp Tết tây?  Trong tiết khí ấy lòng người mới có thể cảm nhận rõ sự thiêng liêng khi trời đất giao hòa phút giây chuyển từ năm cũ sang năm mới, như đón nhận được nguồn năng lượng ào ạt của thiên nhiên đang chảy qua, như chạm được vào sự thay đổi của “trước” và “sau”, như nghe thấy sự cựa mình của hạt mầm đang tách vỏ để bật lên. Đêm giao thừa Tết ta, giác quan thứ Sáu dường như có thật.

img

Chợ hoa truyền thống Hàng Lược, Hà Nội tấp nập người mua sắm chuẩn bị Tết Canh Tý 2020.

Tôi hỏi một vài người bạn nước ngoài, hoặc ở nước ngoài cũng lâu. Họ đơn giản là quây quần, cầu chúc, hy vọng, yêu đương vào thời khắc  Giáng sinh – thời điểm ý nghĩa với họ như Tết ở Việt Nam , nhưng cái cảm giác hòa mình vào thiên nhiên như ở mình là không có. Giáng sinh là sự đối lập giữa cái lò sưởi ấm áp với trời đêm đầy bão tuyết ở Châu Âu, hay là sự nóng nực và bãi biển đầy nắng ở Australia. Còn giao thừa, đơn giản chỉ là hết một cuốn lịch và đổi sang cuốn lịch khác, để mùng 2 Tết tây lại đi làm bình thường.

Nếu nhập Tết ta vào Tết tây, việc thực hành những phong tục tập quán kiểu “thịt mỡ dưa hành câu đổi đỏ?/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” chắc chắn chỉ là sự mô phỏng, sao chép, không còn sự hậu thuẫn bởi sức mạnh thần bí, thiêng liêng đó. Không có gì mâu thuẫn giữa sức mạnh ấy với sự phát triển, với khoa học, công nghệ ngày nay. Chẳng phải rất nhiều nhà khoa học, doanh nhân, người nổi tiếng phương Tây đang tìm kiếm “hành trình về phương Đông”, với những lý giải  về tâm linh, tinh thần cho các hiện tượng khoa học, xã hội hay sao.

Nào, giờ là lúc thanh thản đón nhận  nhịp sống mềm dịu đi, đón nhận  sự lắng đọng, yêu thương của gia đình, bạn bè, thiên nhiên, trời đất. Cuộc di chuyển vội vã, cuồng loạn trước Tết cuối cùng đã dừng lại.  Tranh thủ dọn nhà nốt, dọn cả tâm hồn mình, dọn cả những mối quan hệ thừa thãi. Ngồi bên ông bà, bố mẹ rúc rích câu chuyện Tết, với ấm trà hộp mứt, bên mâm cơm giao thừa, trong mùi hương trầm thơm lặng lẽ, chờ đợi lúc trời đất chuyển mình.

Tết, là tất cả. Và cũng là duy nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem