Tết sớm năm 1975

Thứ sáu, ngày 12/02/2010 00:37 AM (GMT+7)
Nói đến Tết là cả một sự cách rách vô cùng công phu. Mỗi khẩu đội tự trang trí hầm ngủ, hầm pháo. Ai có "dấn vốn" gì găm trong ba lô phải tự giác bày ra, từ bao Tam Đảo, gói trà Ba Đình dành dụm mang từ Bắc vào đến bao Rubi quân tiếp vụ chiến lợi phẩm...
Bình luận 0
img
 

Tôi bây giờ đã ngoài năm mươi tuổi, ham hố không còn nhiều nhưng thực lòng vẫn thấy khoai khoái khi Tết đến. Tết nào với tôi cũng trọn vẹn. Duy có một cái Tết dang dở nhưng kì lạ lại khắc những dấu ấn đặc biệt có đến chót đời cũng không thể nào quên. Đó là Tết Ất Mão năm 1975.

Bấy giờ vào những ngày cuối năm 1974 đầu 1975, đại đội pháo cao xạ 57 li của tôi đa phần là lính Hà Nội đang bảo vệ thị trấn Lộc Ninh, thủ phủ của vùng giải phóng B2 (Đông Nam bộ) được lệnh khẩn cấp lên đường tham gia chiến dịch vây ép giải phóng tiểu khu Phước Long. Đây là chiến dịch giải phóng tỉnh lị đầu tiên mở màn cho giải phóng Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng toàn bộ miền Nam.

Từ Lộc Ninh chúng tôi theo dấu chân bộ binh chiếm lĩnh trận địa tại một cánh rừng cách tiểu khu Phước Long chừng dăm cây số đường chim bay. Là đơn vị trấn giữ hành lang vòng ngoài tất nhiên cũng nổ súng liên tục đánh chặn các đợt oanh tạc của không lực Sài Gòn nhưng nói chung cánh lính chúng tôi khá ư là nhàn nhã so với các cánh quân vây ép thị xã.

Sau gần tháng chiến dịch, ngày mồng 6 tháng Giêng, khi quân ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã cũng là lúc địch tập trung nhiều tốp F5, A37 đánh hủy diệt. Trận địa của đại đội tôi nằm gần trục đường chiến dịch cũng hứng vô khối loạt bom nhưng không ai trầy da, tróc vẩy.

Thiệt hại duy nhất là con heo nuôi ngót một tạ để dành cho Tết bị thương nặng vì trúng mảnh bom. Tiếng là thiệt hại nhưng cánh lính chúng tôi khấp khởi mừng. Còn những hơn tháng nữa mới Tết, được "bụp" sớm thế này đúng là giời phật phù hộ còn gì.

Hải - quản lý đại đội mặt nhăn như bị vẫn cho anh nuôi giết mổ để đỡ hao thịt nhưng mặt khác lại có một đề xuất rất keo kiệt đúng với chức phận. Hắn ta láu cá đề nghị đại đội cho xuất kho tiêu chuẩn để… ăn Tết sớm.

Đang hứng khởi vì chiến thắng, lại nghe phong thanh sẽ tham gia chiến dịch lớn nên thủ trưởng đại đội nhất trí cái roẹt. Lính tráng xôn xao vì như vậy thì Tết thật sẽ "teo huyền tèo" còn gì. Xôn xao thế thôi nhưng lính tráng được đến đâu hay đến đấy nên quên rất nhanh cái vụ tiết kiệm cú đỉn của tay quản lý ki bo kia. Lệnh truyền xuống, một nửa quân số trực chiến trên pháo, còn lại chuẩn bị Tết. 

Nói đến Tết là cả một sự cách rách vô cùng công phu. Mỗi khẩu đội tự trang trí hầm ngủ, hầm pháo. Ai có "dấn vốn" gì găm trong ba lô phải tự giác bày ra. Vô khối thứ, từ bao Tam Đảo, gói trà Ba Đình, bọc kẹo Hải Châu dành dụm mang từ Bắc vào đến bao Rubi quân tiếp vụ chiến lợi phẩm, bịch trà Blao cấp phát nhu yếu phẩm bày la liệt hoa hết cả mắt mũi.

Khu nhà bếp đặt ven sông Đak Quýt (một nhánh của sông Bé) bội phần sôi nổi. Nồi quân dụng bánh chưng đã nhanh chóng được bắc lên sôi sùng sục cùng với tiếng băm chặt rộn rã. Quãng 5 giờ chiều, nắng đã tắt, bất ngờ một tốp A37 bay bằng đánh nháo nhào một dây bom vào gần khu vực bếp.

Không có thương vong nhưng báo hại nồi quân dụng bánh chưng bị lật nghiêng và thịt thà trộn đầy đất cát. Thế này thì toi rồi, cánh lính trẻ chúng tôi rầu rĩ thu dọn chiến trường. Nhưng đúng là giời phù hộ, thiệt hại do bom kia chưa là gì so với thành quả nó mang lại.

Cả một khúc sông trắng sặc cá chết nổi. Cánh rừng khộp bắt lửa cháy rần rật khiến vô số loài thú hoảng loạn chạy táo tác. Khù khờ về súng đạn như tay thợ máy nổ Nguyễn Thế Lượng nhà ở Cầu Giấy cũng hạ gục được một chú nai tơ ngót nửa tạ. Lính tráng rộn rã đúng là vui như Tết.

Khẩu đội tôi có tay Lít người ngoại thành tiếc của giời mò mẫm lặn ngụp thế nào rinh được cả một con ba ba suối to vật. Lích kích mãi rồi cuối cùng đến gần giữa đêm thì tiệc Tết cũng hòm hòm. Bánh chưng vớt non, giò ép còn lỏng toẹt nhưng quân lính vẫn hỉ hả dàn trận.  

Đại đội dựng hẳn một chương trình văn nghệ hoành tráng, ghi ta bập bùng, thơ đọc véo von (đại đội tôi sau này có tới 2 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là tôi và Lê Tấn Hiển). Đúng nửa đêm chúng tôi vào tiệc giao thừa.

Gần cuối tháng không trăng nhưng lửa từ cánh rừng trúng bom ban chiều vẫn cháy rực đủ hắt lên những quầng sáng vàng vọt. Giá không có đại đội trưởng cương quyết chúng tôi dám thắp ắc quy pháo sáng trưng.

Khẩu đội tôi có hẳn một chai ruợu Tây còn gần nửa, ruợu thật hẳn hoi. Chai ruợu này tôi thó trong ba lô của tay Hải quản lý. Có điều toàn bộ thịt heo tiêu chuẩn đều được cất đi để dành. Con nai và hàng tạ cá sông đủ cho chúng tôi đánh chén mướt mồ hôi.

Riêng khẩu đội tôi còn có thêm món ba ba luộc. Tai họa chính từ đấy, con ba ba chết vỡ ruột đã quật ngã không sót một ai trong khẩu đội. Tôi bị ngộ độc nặng nhất cộng thêm với trận sốt rét ác tính phải cấp cứu tại quân y viện.

Hơn tháng sau, tôi vẫn nằm bẹp tại bệnh xá sư đoàn đặt tại Lộc Ninh. Đơn vị tôi theo chiến dịch đường 14 giải phóng Bình Phước. Đến đúng giao thừa Ất Mão, tôi vẫn không thể gượng ra được khỏi sạp lán điều trị, tay mân mê chiếc bánh chưng tiêu chuẩn với sự tiếc nuối khôn nguôi.

Đó là cái Tết duy nhất trong đời tôi không trọn vẹn. Không bao giờ tôi quên được cái Tết đặc biệt ấy bởi vì sau đó khi xuất viện kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi không còn được gặp lại bạn tôi Nguyễn Thế Lượng, người đã bắn hạ con nai trong Tết sớm. Anh hy sinh tại Chơn Thành cuối tháng 3-1975, trước ngày toàn thắng chỉ ngót một tháng trời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem